AI BỊ ĐỌA?

 

 

AI ĐƯỢC THĂNG?



 

Biên Soạn : Tùng Thiên - Từ Bạch Hạc

 

 

 

1. CHƠN LINH LÀ ÁNH SÁNG HAY LUỒNG ĐIỆN?

2. NHỮNG LINH HỒN BỊ NGŨ LÔI TRU DIỆT THÌ THẾ NÀO?

3. PHẠM LỖI GÌ MỚI BỊ NGŨ LÔI TRU DIỆT?

4. CÒN HÌNH PHẠT TẬN ĐỌA TAM ĐỒ BẤT NĂNG THOÁT TỤC ?

 5. VÌ SAO PHẢI MINH THỆ?

6. TRONG TÔN GIÁO, SAO ĐƯA RA HÌNH PHẠT NẶNG NHƯ THẾ?

7. NGƯỜI TÍN ĐỒ THẤT THỆ THÌ SAO?

8. TÂN PHÁP CỦA ĐẠI ĐẠO LÀ GÌ?

9. AI ĐƯỢC GIẢI THOÁT? AI ĐƯỢC THĂNG?

10. PHÁP-ĐIỀU TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ LÀ GÌ?

 

 

1. CHƠN LINH LÀ ÁNH SÁNG HAY LUỒNG ĐIỆN?

 

    Chơn-Linh là Tiểu-hồn do nơi Đại hồn Thái-Cực chiết ra. Vì đó, sự sáng-suốt của Đệ-Tam xác thân là sự sáng-suốt của Chí-Tôn. Nguyên hình của Đệ-Tam xác thân là một luồng điện cấu-tạo do tế-bào mà điển-tử chỉ một âm và một dương. Luồng điện ấy vẫn hằng ở nơi Tam-Thập Lục-Thiên, và đến hiệp với Chơn-Thần đặng giúp cho Đệ-Nhị xác thân vi-chủ lấy Đệ-Nhứt xác thân của nó. Nói rõ hơn nữa là Linh-hồn điều khiển Giác- hồn, đặng chế ngự Sanh-hồn đó vậy. Khi Đệ-Nhứt xác thân tinh khiết, Đệ-Nhị xác thân an-tịnh, thì Đệ-Tam xác thân mới đến được Nê-hườn-cung mà khai huyền-quang khiếu, thường gọi là đắc Đạo tại thế. Mỗi khi tham-thiền nhập-định được rõ thấu lý mầu, ấy là lúc Đệ-Tam xác thân đã đến.

Vì lẽ đó mà các nguyên-nhân từ ngày xuống thế, bị Đệ-Nhứt xác thân lôi cuốn, Đệ-Nhị xác thân phải chuyển kiếp, làm cho Đệ-Tam xác thân bận theo giáo-hóa mà ngôi vị phải để trống. Mỗi khi lập đủ công, tạo đủ đức rồi thì Đệ-Tam xác thân sẽ tùy theo công nghiệp mà thăng vị. Khi được trở về cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống, cả Chơn-Linh và Chơn-Thần được hiệp một mà ngự trên đài sen. Lúc ấy gọi là hiệp nhứt qui bổn hay là đắc-vị đó vậy.

 

 

2. NHỮNG LINH HỒN BỊ NGŨ LÔI TRU DIỆT THÌ THẾ NÀO?

 

    Còn như bị ngũ-lôi tru-diệt thì luồng điện của Chơn-Linh bị đánh tản, không hiệp được với Chơn-Thần nữa. Chơn thần người đó bị đánh tiêu tan, làm cho Chơn linh không còn nơi nương tựa. Chơn linh phải chịu vất vơ như thế một thời gian rất dài, chờ đến khi nào Đức Chí Tôn mở ra một cuộc Đại Ân Xá thì điểm chơn linh ấy mới được Đức Phật Mẫu tái tạo cho một chơn thần để đầu kiếp xuống trần mà lập công trả quả và tiến hóa.

 

 

3. PHẠM LỖI GÌ MỚI BỊ NGŨ LÔI TRU DIỆT?

 

    Một người muốn nhập môn vào Đạo Cao Đài, phải lập Minh thệ trước Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Lập Minh thệ là cách để tỏ bày lòng chơn thành giác ngộ, mong muốn tu hành của mình. Ở đây, có một điều rất quí báu là Lời Minh thệ do Đức Chí Tôn đặt ra, chớ không phải do Hội Thánh hay một Đấng nào khác đặt ra, cho nên Lời Minh thệ nầy có hiệu quả thiêng liêng rất quan trọng. Đức Chí Tôn đặt ra Lời Minh Thệ cho các tín đồ gồm 36 chữ như sau: ( in rõ trong TNHT)

 

Tên gì? . . . . . . . . . Họ gì? . . . . . . . .

"Thề

rằng:

Từ

đây

biết

một

Ðạo

Cao

Ðài

Ngọc

Ðế,

chẳng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

đổi

dạ

đổi

lòng,

hiệp

đồng

chư

môn

đệ,

gìn

luật

lệ

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

Cao

Ðài,

như

sau

lòng

hai

thì

Thiên

tru

Ðịa

lục."

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

 

Hình phạt Thiên tru Địa lục: Trời giết chết, Đất giết chết giống như hình phạt Ngũ Lôi tru diệt. Đây là hình phạt rất nặng nề dành cho những người nào phạm Thiên điều một cách nặng nề hay phạm thệ.

 

 

4. CÒN HÌNH PHẠT TẬN ĐỌA TAM ĐỒ BẤT NĂNG THOÁT TỤC ?

 

     Thoảng như, bị tận đọa tam-đồ bất năng thoát tục, thì Chơn-Linh phải bị ngăn cản, không hiệp được với Chơn-Thần, làm cho Đệ-Nhị xác thân phải trở lại chuyển kiếp từ bực kim-thạch cho đến làm người, và phải chuyển trở lại đủ ba vòng mới được khởi lập công lại. Hình phạt "Ngũ Lôi tru diệt" nặng hơn hình phạt "Tận đọa tam đồ bất năng thoát tục", bởi vì hình phạt sau không bị giết chết, nên vẫn còn giữ được Chơn thần mà chịu hình phạt, khi xong thì tiếp tục tiến hóa. Trong khi bị đọa tam đồ, nếu gặp thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn thì cũng được tha thứ và cho đi đầu kiếp trả quả.

 

 

5.VÌ SAO PHẢI MINH THỆ?

 

    Quỉ-Vương đến trước Bạch-Ngọc-Kinh xin hành xác và thử thách các con. Thầy chẳng chịu cho hành xác; chúng nó hiệp Tam-Thập-Lục-Ðộng toan hại các con; nên Thầy sai Quan-Thánh và Quan Âm đến gìn-giữ các con, nhưng phần đông chưa lập Minh-Thệ nên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật không muốn nhìn nhận.

                                                                   (TN 9 Aout 1926 , 1 tháng 7 năm Bính Dần )

 

 

 

6. TRONG TÔN GIÁO, SAO ĐƯA RA HÌNH PHẠT NẶNG NHƯ THẾ?

 

    Việc Lập Minh thệ rất quan trọng, bởi vì khi đã được Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật nhìn nhận là môn đệ của Đức Chí Tôn thì mới hưởng được những đặc ân trong kỳ Đại Ân Xá nầy.

Sau đây là “Dẫn giải lời minh thệ nhập môn cầu đạo” do Hội Thánh ban hành ngày 27.1.Tân Mão (dl 4.3.1951)

 

         Văn Phòng                                                                  ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

   THƯỢNG CHÁNH PS.                                                           (Nhị thập lục niên)

       Số: 104/CTĐ                                                                    TÒA THÁNH TÂY NINH

                          

 

DẪN GIẢI LỜI MINH THỆ NHẬP MÔN CẦU ĐẠO

 

 Tôi tên: . . . . . . . . . tuổi: . . . . .

Thề rằng: từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.

Ý nghĩa Lời Minh thệ trên là: Lời tuân hứa nhứt quyết cùng Đấng Thượng Đế, để trọn tâm thi hành Thiên đạo và cam kết làm tròn phận sự y theo Lời Minh thệ.

Điều thứ nhứt: Biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế.

Là trọn nhìn một Đạo Cao Đài của Chí Tôn, ngoài ra không đặng xu hướng theo ngoại giáo, tà quyền, lập nên phe đảng, chia rẽ tâm lý , gây nên sự rắc rối chia ly làm mất đức tin trong cửa Đạo.

Điều thứ nhì: Hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài.

Tín đồ nhập môn rồi phải tuân hành luật pháp chơn truyền của Đại Đạo là: Tân Luật, Đạo Luật, Pháp Chánh Truyền, v.v...và thi hành các qui điều giáo huấn của Hội Thánh để làm tròn phận sự mình. Ấy là phương hiệp đồng nhứt trí của toàn đạo, tín đồ, Chức việc, Chức sắc Hội Thánh để nhặt gìn Luật lệ Cao Đài của Đấng Chí Tôn.

Điều thứ ba: Như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.

Ăn ở hai lòng, bất trung bất chánh, dối Thầy phản bạn, và làm những việc trái với luật lệ của Đại Đạo cùng hành động vô nhân vô nghĩa, mất sự thương yêu, mất điều tín nhiệm, gieo rắc những điều ngờ vực, hiềm khích giữa tình đồng đạo và manh tâm bội nghịch cùng Hội Thánh, sẽ chịu luật công bình của Trời Đất tru diệt (giết phạt).

Minh thệ đối với luật vô vi tức là Thiên điều của Chí Tôn và các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần cầm quyền trị thế, là một ân huệ được chọn làm môn đệ của Đấng Chí Tôn. Khi giữ tròn lời Minh thệ sẽ được các Đấng hộ trì ban ân lành, đạo tâm sáng suốt, trọn vẹn đức tin, đến ngày thành công đắc đạo, được ghi tên vào Tiên tịch (Bộ Tiên).

Minh thệ đối với luật hữu hình Hội Thánh là một giá trị uy tín đối với Đạo và Hội Thánh. Khi giữ trọn lời Minh thệ sẽ được tín nhiệm kính nể, bảo trợ hưởng mọi đặc ân với luật công bình của Hội Thánh. Lời Minh thệ nhập môn cầu Đạo là một điều rất quan hệ của người giữ Đạo và là một lời hứa trọn vẹn tín thành với Hội Thánh cùng các Đấng thiêng liêng. Một kiếp sanh ở hiện tại và tương lai phước hay tội cũng do nơi lời Minh thệ nầy. Vậy, toàn đạo nam nữ nên trân trọng gìn theo lời Minh thệ.

Chức sắc hữu quyền các cơ quan, chư vị Khâm Châu, Đầu Tộc Đạo nam nữ phải thông truyền lời dẫn giải Minh thệ nầy cho toàn đạo tuân hành.

PHẦN TÌM HIỂU:

Chúng ta nhận thấy về phần thiêng liêng, người có lập Minh thệ thì các Đấng thiêng liêng mới nhìn nhận là môn đệ của Đức Chí Tôn, tức là tín đồ của Đại Đạo. Khi được làm môn đệ của Đức Chí Tôn thì mới hưởng được hồng ân của Đức Chí Tôn ban cho:

 • Thứ nhứt, môn đệ giữ tròn luật đạo và ăn chay được 10 ngày trong một tháng thì vào hàng Đạo hữu, đối phẩm Địa Thần trong Cửu phẩm Thần Tiên.

• Thứ nhì, môn đệ giữ tròn luật đạo và ăn chay 10 ngày mỗi tháng thì khi qui liễu mới được làm Phép Xác, Phép Đoạn Căn, làm Tuần Cửu, Đại Tường và Tiểu Tường, để đưa chơn hồn đi lên qua 12 từng Trời, bái kiến các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, bái kiến Đức Phật Mẫu và Đức Chí Tôn, sau đó mới được Tòa Tam Giáo Ngọc Hư Cung định phận.

Từ ngày lập đạo, Đức Chí Tôn chưa hề bắt buộc người nào theo Đạo cả. Đức Chí Tôn chỉ vạch ra cho nhơn sanh thấy con đường nào chánh, con đường nào tà, con đường nào chơn thật đưa đến giải thoát khỏi luân hồi, con đường nào quanh co đưa đến tội tình sa đọa. Nhơn sanh hiểu biết rõ như thế để giác ngộ, rồi đi con đường nào hay không đi là tùy ý nhơn sanh lựa chọn và định đoạt.

 

TNHT: Nếu kẻ nào biết hiểu Thánh Ngôn của Thầy nơi miệng các con mà tỉnh ngộ thì số hằng sống của nó vốn còn, còn chẳng thì thôi, để chúng nó theo Tà quái.

TNHT: Đạo là quí, của quí chẳng bán nài, các con đừng thối chí.

                                                   

Như vậy nhơn sanh tự do chọn lựa tín ngưỡng của mình, hoặc không tín ngưỡng tùy ý, không bắt ép hay nài nỉ ai cả. Theo Đạo là một đại sự trong cuộc đời mình, nhập môn cầu Đạo và Lập Minh thệ là một khúc quanh vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mình, nên cần phải cân nhắc cẩn thận, tìm hiểu cho kỹ lưỡng. Đức Chí Tôn không bắt buộc ai theo Đạo, nhưng khi đã theo Đạo thì buộc phải theo trọn đời bằng việc lập Minh thệ, để tiến mãi trên con đường Đạo. Tại sao khi ở ngoài vòng thì không buộc, mà khi đã vào cửa Đạo rồi thì lại buộc? Bởi vì thời kỳ nầy là mạt kiếp của Hạ Nguơn Tam Chuyển, bước qua Thượng Nguơn Tứ Chuyển lập đời Thánh đức, nhơn loại phải trải qua một cuộc Đại Phán Xét cuối cùng, để chấm dứt một chu kỳ tiến hóa cũ, bắt đầu một chu trình tiến hóa mới. Do đó, Đức Chí Tôn đại khai ân xá cho các đẳng chơn hồn, nếu ngộ kiếp một đời tu đủ trở về ngôi vị cũ. Bởi vậy Đức Chí Tôn buộc Minh thệ là thể lòng thương yêu vô lượng của Đấng Cha Lành, buộc con cái phải gấp rút tu hành để kịp trở về cùng Ngài. Địa cầu nầy phải chịu một lần đổi thay nữa. Số nhơn loại sống sót là những người đủ đức tin, đủ bác ái công bình, để các Đấng lập đời Thánh đức, tạo lập một xã hội đại đồng. Đương nhiên luật công bình thiêng liêng mở ra có thưởng ắt có phạt. Nếu thực thi đúng theo lời Minh thệ thì chắc chắn sẽ được ân thưởng như đã trình bày bên trên, còn nếu không giữ đúng lời Minh thệ hay làm ngược lại lời Minh thệ thì ắt bị phạt nặng.

 

 

7. NGƯỜI TÍN ĐỒ THẤT THỆ THÌ SAO?

 

    Thất thệ là mất lời thề, tức là không giữ được lời thề, không thực thi đúng lời thề, vi phạm lời thề.Thất Nương DTC giảng giải về cõi Âm Quang cho biết như sau:

TNHT: "Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tránh khỏi Âm Quang. Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi thì cũng tránh xa cõi Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi. Ôi ! Tuy vân, hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng tin cậy nơi Thầy. Đó là mấy Đạo hữu, Tín đồ bị thất thệ. ..

Sử Đạo có ghi lời Minh thệ trong buổi đầu khai Đạo như sau: Đến ngày 25-4-1926 (15-3-BD) thì thiết lễ Thiên phong tại nhà ông Lê Văn Trung ở Chợ Lớn. Thầy dạy:

"Lịch! con viết 1 lá bùa Giáng Ma Xử đưa cho Tắc cầm. Hai con mặc đồ thường chừng nào Thầy triệu Ngũ Lôi và Hộ Pháp về rồi Thầy biểu mặc vô thề mới đặng. Bàn Thầy giáng cơ thì để trước bàn Ngũ Lôi, khi giáng rồi thì dời đi cho trống chỗ, đặng nhị vị Đầu Sư quì mà thề.

Cư đem 3 bộ Thiên phục để vọng trên 3 cái ngai, rồi con chấp bút bằng nhang như mọi lần, đặng Thầy trấn thần 3 bộ Thiên phục và 3 cái ngai ấy. Rồi mới kêu 2 vị Đầu Sư đến quì trước bửu ngai của nó đặng Thầy vẽ phù vào mình, xong cho Giảng xướng lên "Phục vị" thì 2 người leo lên ngồi. Cả thảy chư môn đệ đều quì xuống, bảo Tắc nó leo lên bàn, con chấp bút bằng nhang đến bàn Ngũ Lôi đặng Thầy trục xuất chơn thần nó ra. Rồi bảo hai vị Đầu Sư xuống ngai đến trước mặt Ngũ Lôi hai tay chấp trên đầu cúi ngay bùa Kim Quang Tiên mà thề như vầy:

Tôi là Lê Văn Trung tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt và Lê Văn Lịch tự Thiên ân là Ngọc Lịch Nguyệt thề Hoàng thiên Hậu thổ trước bửu tháp Ngũ Lôi rằng: Làm tròn Thiên đạo mà dìu dắt cả mấy em chúng tôi đều là môn đệ của Đức Cao Đài Ngọc Đế. Nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định chẳng dám chuyên quyền mà lập thành tả Đạo. Như ngày sau hữu tội, thì thề có Ngũ Lôi tru diệt.

Đến bàn Vi Hộ Pháp cũng quì xuống vái y như vậy nhưng câu sau như vầy: như ngày sau có phạm Thiên điều thề có Hộ Pháp đọa Tam đồ bất năng thoát tục.

…Tới phiên các môn đệ, từ người đến bàn Ngũ Lôi mà thề rằng: Tên gì ..... họ gì...........thề rằng: từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế chẳng đổi dạ, đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài. Như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.

Đó là những nghi lễ bí truyền, về sau đạo cứ theo đó mà thi hành tuỳ theo chức sắc hay đạo hữu mà lời thề được biến đổi như trên. Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo về việc lập Minh thệ của tín đồ như sau:

"Bần đạo nói thật, buổi Đức Chí Tôn đến tạo Quốc Đạo cho nòi giống Rồng Tiên nầy, chính Ngài cầm cơ đi đến các tỉnh kêu từ nhà, gọi từ đứa con, cho không biết bao nhiêu bài khuyến dạy, tạo thành một nền tôn giáo Cao Đài là Quốc Đạo. Bần đạo tưởng chưa có người nào đem cả tinh thần tâm đức mà thi ân cho dường ấy, Đức Chí Tôn đến độ rỗi, lập giáo, rồi lại bắt Minh thệ. Hỏi tại sao Ngài lại bắt Minh thệ? Là buộc con cái phải hiệp đồng cùng nhau. Mỗi người có một chút đức tin. Thầy bảo qui đức tin ấy lại, phải có tâm đức tin tưởng, yêu ái lẫn nhau, phải nhìn nhận có Thầy, có đức tin nơi Thầy. Hại thay! Có nhiều đứa con của Ngài cũng nghe, cũng tìm Đạo, cũng thọ giáo, cũng Minh thệ đủ phép tắc, biết bao nhiêu khi mới đến cùng Thầy, quì dưới chơn Thầy, mà hễ ra khỏi chơn Ngài rồi thì lại phản phúc Ngài và con cái của Ngài."

 

 

8. TÂN PHÁP CỦA ĐẠI ĐẠO LÀ GÌ?

 

    “Luật-pháp của Đại-Đạo là TÂN-LUẬT và PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN do Đức Cao-Đài Thượng-Đế dùng huyền-diệu Cơ-bút giáng dạy để làm qui-củ chuẩn-thằng cho Hội-Thánh truyền giáo.

“Diệt trừ mê-tín dị-đoan, bất nạp bóng chàng, phù thủy, bởi Đạo dung-hòa mọi tín ngưỡng và tùy khả-năng tiến-hóa của mỗi hạng người và phong-tục của mỗi địa-phương mà phổ-độ.”

Tân Pháp tức là Tân-Luật và Pháp-Chánh-Truyền đó vậy.

Đạo mà còn phải có Pháp có Luật để làm gì? “Thầy vì sợ phàm tâm tục tánh lập Luật pháp rất nghiêm đặng đủ quyền-hành buộc cả Hội-Thánh, nghĩa là thân thể thiêng-liêng hiệp hòa làm một”. Do đó mà Chí-Tôn vừa khai Đại-Đạo là đã lập ngay Pháp-Chánh-Truyền, đồng thời dạy các Chức-sắc nhóm họp Hội-Thánh để lập Tân-Luật. Gọi chung là Pháp-Luật Đại-Đạo.

 

 

 

9. AI ĐƯỢC GIẢI THOÁT? AI ĐƯỢC THĂNG?

 

    Giá-trị của tân-pháp Cao-Đài được minh-định trong bài Kinh Di-Lạc, kinh này được xem như bản vi-bằng giao lãnh từ Phật Thích-Ca trao cho Đức Di-Lạc-Vương-Phật trong thời Tam-Kỳ Phổ-Độ. Sau đây là phần đầu của Di Lạc Chơn Kinh:

                                             Khai Kinh Kệ

                           Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp

                           Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ

                           Ngã kim thính văn đắc thọ trì

                           Nguyện giải Tân kinh chơn thiệt nghĩa

THÍCH CA MÂU NI VĂN PHẬT thuyết DI LẠC CHƠN KINH:

 THƯỢNG THIÊN HỖN NGƯƠN hữu: Brahma Phật, Civa Phật, Christna Phật, Thanh Tịnh Trí Phật, Diệu Minh Lý Phật, Phục Tưởng Thị Phật, Diệt Thể Thắng Phật, Phục Linh Tánh Phật, nhứt thiết chư Phật, hữu giác, hữu cảm, hữu sanh, hữu tử, tri khổ nghiệp chướng luân chuyển hóa sanh, năng du Ta Bà Thế giái độ tận Vạn linh đắc qui Phật vị.

 HỘI NGƯƠN THIÊN hữu: Trụ Thiện Phật, Đa Ái Sanh Phật, Giải Thoát Khổ Phật, Diệu Chơn Hành Phật, Thắng Giái Ác Phật, nhứt thiết chư Phật tùng lịnh DI LẠC VƯƠNG PHẬT, năng chiếu diệu quang tiêu trừ nghiệt chướng.

  Nhược hữu chúng sanh văn ngã ưng đương thoát nghiệt, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng tùng thị Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ, tất đắc giải thoát luân hồi, đắc lộ Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề thị chi chứng quả Cực Lạc Niết Bàn. Nhược nhơn đương sanh, nhược nhơn vị sanh, nhược nhơn hữu kiếp, nhược nhơn vô kiếp, nhược nhơn hữu tội, nhược nhơn vô tội, nhược nhơn hữu niệm, nhược nhơn vô niệm, thính đắc ngã ngôn, phát tâm thiện niệm, tất đắc A Nậu Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề tất đắc giải thoát. Nhược hữu nhơn thọ trì khủng kinh ma chướng, nhứt tâm thiện niệm: Nam Mô Di Lạc Vương Bồ Tát, năng cứu khổ ách, năng cứu tam tai, năng cứu tật bịnh, năng độ dẫn chúng sanh thoát chư nghiệt chướng tất đắc giải thoát…

DỊCH NGHĨA:

                        Bài Kệ khai “Di Lạc Chơn Kinh”

 Những giáo pháp vô thượng của Đức Phật lắm cao sâu, huyền vi và mầu nhiệm.

 Dù trăm ngàn muôn kiếp không có duyên phần cũng rất khó mà gặp đặng.

Ngày nay Ta nghe biết, được thọ lấy và gìn giữ,

Nguyện giải thích bài Tân kinh nầy với ý nghĩa chơn thiệt của Phật.

Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết giảng về bài “Di Lặc Chơn Kinh”:

 TẦNG HỖN NGƯƠN THIÊN ở trên hết có : Brahma Phật, Civa Phật, Christna Phật, Thanh Tịnh Trí Phật, Diệu Minh Lý Phật, Phục Tưởng Thị Phật, Diệt Thể Thắng Phật, Phục Linh Tánh Phật.

 Tất cả các vị Phật, có giác ngộ, có thương cảm, có sống, có chết, biết rõ sự khổ não do nghiệp chướng gây nên, luân hồi chuyển kiếp mà hóa sanh ra, các vị Phật có thể đi khắp cõi Ta Bà Thế giới độ hết các Chơn linh để được trở về  với ngôi vị Phật.

TẦNG TRỜI HỘI NGƯƠN THIÊN có: Trụ Thiện Phật, Đa Ái Sanh Phật, Giải thoát khổ Phật, Diệu Chơn Hành Phật,Thắng Giái Ác Phật. Tất cả các vị Phật, tùng theo lệnh của Đức Di Lạc Vương Phật, thường chiếu ánh sáng huyền diệu để tiêu trừ các nghiệt chướng.

 Nếu có chúng sanh nào nghe biết lời của Ta, thì nên tìm cách thoát khỏi nghiệp chướng, bằng cách niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tùng theo những điều khoản luật pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thì ắt được giải thoát khỏi luân hồi, mà đạt được  Đạo Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là chứng quả vị nơi cõi Cực Lạc Niết Bàn.

         Nếu như người được sanh ra, nếu như người chưa được sanh ra, nếu như người có kiếp sống, nếu như người không kiếp sống, nếu như người có tội, nếu như người không tội, nếu như người có lòng tưởng niệm, nếu như người không có lòng tưởng niệm, nghe được lời Ta nói mà phát khởi tâm tưởng lành, sẽ đạt Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ắt được giải thoát. Nếu có người nhận và gìn giữ Phật pháp mà kinh sợ những chướng ngại của Ma vương, một lòng tưởng niệm: Nam Mô Di Lặc Vương Bồ Tát có thể cứu giúp những tai ách khổ sở, có thể cứu giúp được tam tai, có thể cứu giúp được bịnh tật, có thể cứu độ và dẫn dắt chúng sanh thoát hết các nghiệp chướng, ắt được giải thoát.

Như vậy, chúng sanh nào nghe biết lời của  Đức Phật, nên tìm cách thoát khỏi nghiệp chướng bằng cách niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tùng theo những điều khoản luật pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thì ắt được giải thoát khỏi luân hồi, mà đạt được  Đạo Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là chứng quả vị nơi cõi Cực Lạc Niết Bàn.

 

 

 

10. PHÁP-ĐIỀU TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ LÀ GÌ?

 

     Khi tụng DI LẠC CHƠN KINH, có câu "Tùng thị Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ tất đắc giải thoát luân hồi, đắc lộ Đa la Tam diệu Tam Bồ Đề thị chi chứng qủa Cực Lạc Niết Bàn." Vậy Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ là gì mà Đức Phật Thích Ca dạy phải tùng theo sẽ thoát khỏi luân hồi và đạt được chánh đẳng chánh giác, tức là đạt quả vị nơi cõi Niết Bàn ?.

Đức Hộ-Pháp giải rõ: “Ngày nay Thiên-thơ đã định cho nước Việt-Nam này có được cán cân công-lý do bởi tay Thượng-Đế đến cầm đòn cân định vận-mạng cho Việt-Nam và cả nhân-loại. Cho nên khi mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, Đức Chí-Tôn đã lập ngay Pháp-Chánh-Truyền và Tân-Luật tức là Thiên-điều tại thế để điều-hành guồng máy hành-chánh-đạo hầu bảo thủ chơn truyền và công-bình Thiên-đạo vì nếu thiếu pháp luật thì còn gì là Đạo nữa. Ấy vậy, Đức Chí-Tôn lập Tân Pháp là lập chủ-quyền cho Đạo. Nếu chúng ta biết Đạo và ý thức rằng pháp-luật là do Thiên-ý và công-lý mà lập ra thì tự nhiên phải tuyệt-đối tôn-trọng chủ quyền, đó là tuân-hành qui-điều pháp-luật Đại-Đạo.

PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN + TÂN-LUẬT = THIÊN-ĐIỀU TẠI THẾ.

Phạm luật Đạo tức là phạm Thiên-điều, mà phạm Thiên-điều thì tội-tình kia có chi giải nỗi. Hội-Thánh hiệp nhau lập luật cũng như cả Thập-Nhị Khai-Thiên lập luật. Thập-Nhị Khai-Thiên lập luật giao lại cho Thầy, còn Hội-Thánh lập luật cũng giao lại cho Thầy. Vậy thì Tân-Luật với Thiên-điều cũng đồng giá-trị. Dẫu cho Hộ-Pháp phạm luật cũng bị đòi đến Tòa Tam-giáo bên Cửu-Trùng-Đài, thì Thiên phẩm mình dường như không có, kể như một người đạo-hữu kia vậy. Còn Giáo-Tông nếu phạm tội cũng phải bị đòi đến Tòa Hiệp-Thiên-Đài thì cũng chẳng khác một người tín-đồ kia vậy.”    

                                        (ĐHP diễn-văn14-2 Mậu-Thìn 1928)

Chú thích: Pháp điều 法 條 là những điều khoản của giáo pháp hay  luật pháp.  Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ là hệ thống pháp luật của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gồm  Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Bát Đạo Nghị Định và các Đạo Luật.

Đức Chưởng-Đạo Nguyệt-Tâm Chơn-nhơn dạy rằng: “Phàm Pháp-luật lập thành đều tùng sở dụng, buộc kẻ chung công hiệp trí tác thành một cơ-sở vĩ-đại, Đông Tây tương-thân tương-ái. Bởi cớ mà pháp-luật vẫn nhiều mặt đặc biệt cùng nhau, tùy theo phương dụng, chẳng thế dùng một mặt pháp-luật nào mà thay thế vào một cơ-sở khác hành-vi cho đặng, cần thì mới lập, còn vô ích thì bỏ. Vậy các Pháp-Luật của Chí-Tôn đã đào-tạo đều hữu-ích cho cơ-quan hành-động cho Chánh giáo của Người, một cái dấu bỏ ra cũng chẳng đặng. Hễ tùng thì Đạo thành, còn nghịch thì Đạo diệt. Cả thảy Hội-Thánh chưa ai đặng quyền ra khỏi ngoại luật. Chúng ta vâng theo mới đắc thành quyền-hành Hội-Thánh, thảng có một người nghịch thì làm rối loạn chơn-truyền. Kẻ nghịch cùng Thế-đạo thì trục ngoại xã hội hay là diệt tàn cho khỏi lưu hại, còn kẻ nghịch cùng Đạo-pháp thì tội trục ngoại Thánh-thể Chí-Tôn hay là có ngày quyền thiêng-liêng diệt thác. Chúng ta từ đây coi kẻ phạm Pháp-luật như thù địch của Đạo, dùng phương trừ khử. Bần-Đạo đã thọ sắc lịnh Ngọc-Hư lo chuyển Pháp, thì không phương tha thứ điều phạm bao giờ. Từ đây Hội-Thánh Ngoại-giáo giữ nghiêm Pháp-luật. Bần-Đạo xin để lời cầu-khẩn cùng Giáo-Tông và Hộ-Pháp cũng để lòng lo phương trừ hại, đừng vì Bác-ái, Từ-bi vị nễ.”           (3-3 Quí-Dậu dl 26-5-1933)

 Thầy cũng có nhắc-nhở: “Trường đời có ấm lạnh, cũng như lẽ Đạo có thạnh suy, mà cùng cực cái thạnh ắt lại suy, cùng cực cái suy ắt lại thạnh. Mà cái thạnh của Đạo thì vô cùng người thường không phương thấu-đáo. Chơn-truyền luật-pháp là bất di bất dịch, ai sửa cải chơn-truyền luật-pháp ắt bị tội chẳng sai, dầu là địa-vị gì đi nữa. Thầy phong thưởng chúng nó đặng ắt thầy hình phạt chúng nó cũng đặng vậy”.

 

    KẾT LUẬN:

1. Ai phạm tội thông thường trong cuộc sống, sau khi chết linh hồn sẽ ở cõi Âm quang để định thần giải trí. Thời gian lâu mau tùy theo tội nặng nhẹ, chơn thần ô trược nhiều ít, và mức độ sám hối. Trước khi mất, nếu phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi thì cũng tránh xa cõi Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn. Con cái của các chơn hồn cầu rỗi bằng cách tụng Kinh Di Lạc và làm công quả hồi hướng cho người đã mất..

2. Ai phạm thệ tức không giữ lời Minh thệ: “ từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế chẳng đổi dạ, đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài. Như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục”.

Vậy, nhập môn rồi mà bỏ Đạo hoặc làm sái luật Đạo, theo tà quyền tìm cách phá Đạo cải sữa luật Đạo sẽ bị Thiên tru Địa lục.

3. Đối với chức sắc: “Nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định chẳng dám chuyên quyền mà lập thành tả Đạo. Như ngày sau hữu tội, thì thề có Ngũ Lôi tru diệt.”

4. Ai phạm Thiên điều sẽ bị đọa Tam đồ bất năng thoát tục.” như ngày sau có phạm Thiên điều thề có Hộ Pháp đọa Tam đồ bất năng thoát tục.”

  THIÊN-ĐIỀU TẠI THẾ = PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN + TÂN-LUẬT

              5.Trong BÁT ĐẠO NGHỊ ĐỊNH, Đạo Nghị Định thứ tám của Đức Lý Giáo-Tông là:

“Những Chi phái nào do bởi Đại Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội-Thánh thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí-Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Đạo”. Khi Ông Hồ-Bảo Đạo nắm Quyền Chưởng-Quản Hiệp Thiên-Đài có dâng sớ mật xin Đức Lý hủy bỏ Đạo Nghị-Định thứ tám. Đức Lý giải-thích là: “Không thể hủy được, vì cái gì của Ngài và Hộ-Pháp ký là Thiên-điều, nó phải tồn-tại đến Thất ức niên”.

 

CHÚ THÍCH:

TN ngày 23 Décembre 1931 tại Tòa-Thánh Tây-Ninh, Đức Chí Tôn dạy rõ “Thầy đã ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một.” 

Tín hữu chúng ta phải cẩn thận giữ mình cho lắm, học kỹ Tân luật, Pháp Chánh Truyền và Bát Đạo Nghị Định. Những gì không có trong Tân luật và Pháp Chánh Truyền hoặc phản khắc lại thì đừng làm, đừng theo. Những gì được qui định bởi hai Ngài, chúng ta phải tùng theo, không được cãi sửa. Đừng để mất linh hồn vì thiếu hiểu biết. Phải sáng suốt phân biện, giữ vững đức tin. Nếu không khéo sẽ bị đọa, uổng vạn kiếp sanh. Trong tôn giáo, Ma chướng có thể hiểu là tất cả những gì ngăn cản các thiện căn, cản trở chánh pháp, hoặc các phiền não gây ra bởi lục dục thất tình, hoài nghi, không tuân theo luật Đạo…        

Chúng sanh đời mạt pháp, phước thì mỏng, chướng thì dầy, huệ cạn, nghiệp sâu, nên tu hành thường vướng phải ma chướng, tín tâm yếu ớt nên bị hãm vào lưới ma, lại bị ác nghiệp lôi kéo, khó bề thoát khỏi đọa. Vì vậy, phải có đức tin kiên trì thường xuyên niệm danh hiệu Đức Chí Tôn, Đức Di Lặc; làm lành lánh dữ, lo lập công quả, để được các Đấng hộ trì vượt qua ma chướng.

  Di Lặc Bồ Tát là do tiếng Phạn Maitreya Bodhisattva phiên dịch ra, có nghĩa là Từ Thị 慈 氏(Đấng Từ bi có lòng thương rộng lớn). Theo Lời Phật Thích Ca, Đức Di Lặc Bồ Tát còn đang ở trên tầng trời Đâu Suất, đợi đến ngày giáng sinh ở trần gian để tu thành Phật, tức là một vị Phật tương lai. Theo giáo lý của Đạo Cao Đài, Đức Phật Di Lặc làm chánh chủ khảo Hội Long Hoa là một trường thi Tiên Phật nên Ngài còn được gọi là Di Lặc  Vương Phật. Tại Tòa Thánh Tây Ninh, trên nóc của Phi Tưởng Đài có tượng Đức Phật Di Lặc ngồi tòa sen đặt trên lưng một con cọp vàng.(Cọp tượng trưng năm Bính Dần là năm khai nền Đại Đạo).

 

    Tóm lại: Lập Minh thệ, tu tâm, dưỡng tánh, lập công quả, giữ 10 ngày chay và tùng theo Tân luật, Pháp Chánh Truyền và Bát Đạo Nghị Định. Đó là điều kiện tiên quyết, cần và đủ để chúng ta được giải thoát không còn vướng mắc trong vòng sanh tử luân hồi nữa.

 

 

www.daocaodai.info

   HOME