UNICODE FONTs

 

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
TÒA THÁNH TÂY NINH

 

CHƠN LÝ

 

Tác giả NGUYỄN TRUNG HẬU

 

Có trình cho Hội Thánh kiểm duyệt, y theo Luật Ðạo
ngày 12 Octobre 1928

 

Hội Thánh Giữ Bản Quyền

 

 
 

 

MỤC LỤC

 

  1. Ðại Ðạo
  2. Ðạo thờ Trời
  3. Tam giáo hiệp nhứt
  4. Tu hành
  5. Ðức tin
  6. Ðức chí thành
  7. Lòng bác ái
  8. Thất tình, lục dục
  9. Biển khổ
  10. Ðạo Bát Chánh
  11. Lương tâm
  12. Tam qui, Ngũ giái

 
 

MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

 

Phàm trong việc Ðạo, người chưa thông chơn lý, hoặc chưa tìm ra chơn lý, luận biện tất phải sai lầm, thành ra chơn lý vẫn có một, song mỗi người mỗi do theo kiến thức mình mà thích giải đạo lý khác nhau, vì vậy mới hay xa chánh gốc (chơn ngươn).

Tỉ như bốn ngọn đèn, cũng thì thắp một thứ dầu, cũng thì chung một ánh sáng, mà giọi ra chỗ tỏ, chỗ lờ, chỗ xanh, chỗ đỏ. Ấy cũng bởi ngọn đèn nầy chụp bóng trong, ngọn kia bóng đục, ngọn nọ bóng xanh, ngọn nọ lại bóng đỏ.

Lý luận trong quyển sách "Chơn lý” nầy sở dĩ cũng như một bóng đèn trong bốn bóng tỉ thí trên đó vậy. Tỏ hay lờ, xanh hay đỏ, chỉ nhượng cho cặp mắt tinh đời của quý vị cao nhơn xem lấy.

Chơn thành ngụ ý góp nên lời,
Lý luận dầu ai bắt nhặt lơi.
Lược giải Ðạo Trời nương lẽ chánh,
Biên thành một bổn chút khuyên đời.

Tháng Tám, năm Mậu Thìn.
NGUYỄN TRUNG HẬU

 
 

MỤC LỤC

 

I. ÐẠI ÐẠO

 

Vạn vật trong Càn Khôn, Thế Giái đều do một căn bổn, một nguyên lý mà ra (la Cause primordiale). Cái nguyên lý ấy là khí Hư Vô. Dầu cho Trời Ðất cũng không ngoài cái công lệ ấy. Thái Cực là ngôi của Ðức Chí Tôn (Ðấng Tạo Hóa) mà Thái Cực cũng do khí Vô Cực (khí Hư Vô) mà ra. Khí Vô Cực lại do chỗ động tịnh (manifestation) mà biến thành Thái Cực.

Nguyên hồi khí Hồng Mông (le Chaos) chưa phân phán, là lúc sơ khởi khí Vô Cực, ở không gian chỉ mờ mờ mịt mịt. Thoạt nhiên có hai lằn nguyên lực không biết gốc ở đâu mà ra, nên gọi là "Hư Vô chi khí”: một thứ tánh cang gọi là Dương, một thứ tánh nhu gọi là Âm. Hai nguyên lực ấy xung đột lẫn nhau nổ ra một khối lửa lớn gọi là Thái Cực (ấy là ngôi của Ðức Chí Tôn). Thái Cực động mà sanh lại khí Dương, động Cực rồi lại tịnh mà sanh khí Âm, tịnh Cực rồi lại động, động Cực rồi lại tịnh, cứ một động, một tịnh như vậy mà phân Lưỡng Nghi, gài Tứ Tượng, lập thành Bát Quái, rồi Bát Quái mới vận chuyển theo mạng lịnh của Ðức Chí Tôn. Lần lần khối lửa Bát Quái nứt văng ra mà thành muôn muôn vàn vàn ngôi tinh đẩu, gọi là biến hóa vô cùng. Khi Bát Quái vận chuyển thì không khí thảy đều chuyển động mà xoay quanh theo ngôi Thái Cực, rồi gom thành một khối tròn gọi là quả Càn Khôn (Le Kosmos). Cái sức không khí vận chuyển càng lâu càng yếu bớt, thì lại càng dang ra xa, thì quả Càn Khôn lại càng lớn rộng ra thêm. Lần lần lớp không khí bao ngoài vỏ quả Càn Khôn đông đặc lại mà trở nên dày hơn khối không khí ở trong.

Sau khi phân chất ra mà tác thành Càn Khôn, Thế Giái, khối Thái Cực vì hết phần vật chất mà trở nên nhẹ nhàng hơn không khí, đoạn mới vượt lên khỏi vòng Càn Khôn mà an ngôi nơi chốn tuyệt đối gọi là Niết Bàn hay là Bạch Ngọc Kinh.(*1)

Tuy vân, Ðức Chí Tôn chuyển Âm Dương nhị khí mà tác thành Càn Khôn, Thế Giái, song Ngài cũng không thoát khỏi ra vòng Âm Dương. Âm Dương tức gọi là Ðạo (Nhứt Âm, nhứt Dương chi vị Ðạo).

Vả chăng chỗ bổn nguyên của Âm Dương là khí Hư Vô, cũng gọi là khí Tiên Thiên, nghĩa là có trước Trời Ðất (tiếng Pháp gọi La Substance précosmique, tiếng Phạn gọi là Mulaprakriti). Cho nên sách gọi Ðạo là "Nhứt khí Hư Vô” có trước Trời Ðất. Ðạo đã là khí Hư Vô, có trước Trời Ðất, thì Ðạo vẫn tự nhiên mà có (la Cause incréée), không tiêu, không diệt, không trước, không sau, xem chẳng thấy, lóng chẳng nghe, rờ chẳng đụng, gọi lớn thì chở che muôn vật, bao hàm cả Trời Ðất, đâu đâu cũng có, vô lượng vô biên, gọi nhỏ thì từ trong hột cát, cọng rau, Ðạo vẫn cũng dẫy đầy chan chứa. Ðạo tức là cơ mầu nhiệm sanh ra vạn vật, mà vạn loại, nhứt là nhơn loại, cũng nhờ cơ mầu nhiệm ấy mà trở về chỗ bổn căn, tức là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập thánh vậy.

Kinh Dịch có câu: "Lập Ðạo Trời là Âm Dương, lập Ðạo Ðất là Cang Nhu, lập Ðạo Người là Nhơn Nghĩa”. Ðạo Trời là Thiên Ðạo, Ðạo Ðất là Thế Ðạo, Ðạo Người là Nhơn Ðạo. Làm người ở đời cần phải giữ tròn ba Ðạo ấy mới đặng hoàn toàn nhơn cách.

***

Ðạo tuy vô hình, song phải mượn chỗ hữu hình mà thể đạo, vì phải có cái hữu hình mới rõ đặng cái vô hình. Tỉ như một người kia muốn tỏ bày ý kiến tư tưởng mình cho một người khác ở xa, thì phải viết chữ ra trên giấy mà gởi cho người ấy xem. Văn tự vẫn là vật hữu hình dùng để tỏ ra cái ý kiến, tư tưởng vô hình vậy. Cho nên đạo nào cũng phải dùng chỗ hữu hình để bảo tồn trật tự mà truyền đạo đời nầy qua đời khác. Nhưng sợ lòng người, hoặc thái quá, hoặc bất cập, không giữ đạo chánh đặng lâu dài, nên phải lập ra luật lệ, lễ phép để bó buộc lòng người noi theo đó mà tu, mà giữ đạo cho tròn, ấy gọi là Giáo.

Các Giáo như đạo Phật, đạo Tiên, đạo Thánh, đạo Do Thái, đạo Hồi Hồi vân vân, đều chia cái giáo lý (doctrine) ra làm hai bộ phận: một phần hữu hình minh minh, bạch bạch để dạy bực hạ thừa, một phần vô hình huyền huyền, bí bí để mật truyền cho bực thượng thừa. Vì nhiều kẻ vô đạo không thế nào rõ thấu chỗ huyền bí ấy, nên hễ thấy ai nhiễm thâm mùi đạo mà phế hết việc đời, thì lại chê là người "mê tín". Nếu những kẻ ấy ra công tìm kiếm đạo lý sâu xa mà học hỏi, thì ắt hiểu rằng các tôn giáo đều một gốc mà ra, đều tôn trọng một Chơn lý (la Vérité-Une) đều giống nhau ở chỗ vô hình, chỉ khác nhau bởi chỗ hữu hình mà thôi. Cái hữu hình (*2) ấy sở dĩ khác nhau là vì các tôn giáo phải tùy theo phong hóa và phương sanh hoạt của người nước mình, chớ tựu trung cũng giữ đồng một chũ nghĩa rất cao thượng là làm lành, lánh dữ, hàm dưỡng tinh thần để cầu cho linh hồn siêu việt ra vòng tử sanh luân chuyển.

***

Ðạo là vô vi, Ðời là hữu hình. Vô vi và hữu hình buộc phải hiệp nhau làm một mới đặng. Có Ðạo tức có Ðời, có Ðời tức có Ðạo.

Như một cây đèn: luôn về ngọn lửa của nó là vật hữu hình, tỉ là Ðời. Còn cái ánh sáng giọi ra là vô vi, tỉ là Ðạo. Người ta làm cây đèn chớ ai làm ánh sáng (vô vi), mà hễ thắp đèn thì tự nhiên có ánh sáng.

Như một cái chén: vòng gốm ngoài là vật hữu hình, tỉ là Ðời. Còn cái lòng trống ở trong là vô vi, tỉ là Ðạo. Người ta làm cái chén chớ không làm cái lòng trống ở giữa (vô vi), mà hễ làm cái chén thì cái lòng trống ở giữa tự nhiên phải có.

Như một cái cửa: Luôn vừa khuôn vừa cánh cửa là vật hữu hình, tỉ là Ðời. Còn cái khoảng trống để vô ra là vô vi, tỉ là Ðạo.

Người ta làm cái cửa chớ không làm cái khoảng trống ấy (vô vi), mà hễ làm cái cửa, thì cái khoảng trống ấy tự nhiên phải có.

Như một cái bánh xe: luôn về vành tròn và cái hoa cửi là vật hữu hình, tỉ là Ðời. Còn cái lỗ để tra cốt vào cho bánh xe quây là vô vi, tỉ là Ðạo. Người ta làm cái bánh xe chớ không làm cái lỗ cốt (vô vi), mà hễ làm cái bánh xe, thì cái lỗ cốt ấy tự nhiên phải có.

Cây đèn, cái chén, bánh xe, cái cửa là vật hữu vi. Người ta sở dĩ chế tạo mấy vật ấy là để lợi dụng cái chỗ vô vi của nó mà thôi. Ấy vậy Ðạo quý trọng cho Ðời là dường nào? Người không Ðạo chẳng khác nào có đèn mà không biết thắp cho ra ánh sáng, có chén mà không biết chỗ đựng nước, có cửa mà không chừa khoảng trống thì làm sao mà ra vô được, có bánh xe mà không chừa lỗ cốt thì làm sao bánh xe quây được?

***

Ðã biết rằng Ðạo nào cũng tôn trọng ông Tổ Giáo mình trên hết, nhưng há nên vì đó mà xem thường mấy vị Giáo chủ Ðạo khác hay sao? Vả chăng các vị Giáo chủ, bất câu là của Ðạo nào thảy đều lãnh một thiên chức giáo hóa nhơn sanh từ đời tối cổ đến bây giờ, song những giáo lý của các Ngài thuyết minh ra cần phải tùy thời mà truyền bá. Gặp đời ly loạn, cần phải dạy dân cho biết đạo nhơn hòa, gặp buổi nghịch luân, phải dạy cho biết cang tam, thường ngũ. Ðến nay là đời khoa học, lại cần phải do theo lối khoa học thiệt nghiệm mà thuyết minh đạo lý. Cho hay các lý thuyết, dẫu rằng có chỗ xung đột khắc lẫn nhau, song cả thảy cũng đều giúp đời để tìm một Chơn lý. Vì một Chơn lý nên các Tôn giáo đều công nhận và tôn sùng có một đấng cao nghiêm tuyệt đối, toàn tri, toàn năng, cầm quyền thiêng liêng tạo hóa ra muôn loại.

Vả lại, ngày nay chúng ta được thông hiểu ít nhiều đạo lý, thì chúng ta phải biết ơn và tôn trọng các Ðấng Giáo chủ cùng các bậc Cao sư đời trước, vô luận là ở về đạo nào, vì các đấng tiền bối ấy đã ra công phát gai vạch lối cho chúng ta thấy đường ngay nẻo sáng mà đi. Các tôn giáo sau nầy sẽ dung hòa đặng là nhờ hai lẽ vừa kể trên đây vậy.

Muốn rõ hai lẽ ấy đích xác hơn, xin xem qua hai bài luận tiếp: Một bài luận về “Ðạo thờ Trời", một bài luận về "Tam Giáo hiệp nhứt".

 

(*1) Sách có câu: "Khí chi khinh thanh, thượng phù giả vi Thiên, khí chi trọng trược, hạ ngưng giả chi Ðịa". Nghĩa là: "Khí thanh nhẹ nhàng bay lên làm cõi Trời, khí trược nặng nề đặc lại làm cõi Ðất". Khí trọng trược tức là phần vật chất (matière) của khối Thái Cực đặc lại mà biến thành 72 địa cầu, 3000 thế giái và muôn vàn ngôi tinh đẩu trong Càn Khôn. Nghĩa lý chữ đất là vậy đó, chớ không phải chỉ riêng có một quả đất cỏn con của chúng ta ở mà thôi đâu, như nhiều người hiểu lầm.
Khí khinh thanh là phần tinh ba (essence) của khối Thái Cực vượt lên khỏi vòng Càn Khôn mà lập ra cõi Trời, gọi là: "Thượng phù giả vi Thiên".
(*2) Cách thức thờ phượng và lễ nghi tế tự.

 
 

MỤC LỤC

 

II. ÐẠO THỜ TRỜI

 

Thử hỏi: "Ai sanh ra ta đây?”. Rồi hỏi luôn: "Ai sanh ra Ðấng mà đã sanh ra ta?". Cứ truy nguyên như vậy cho đến ông ngươn tổ của loài người, tức là Ðấng tạo hóa ra muôn loại. Ðấng Tạo Hóa ấy phải vô thỉ, vô chung, toàn tri, toàn năng, biến hóa vô cùng mới sanh ra đặng muôn loại, làm cha chung của chúng sanh. Người Annam ta gọi là Ông Trời, người Tàu gọi là Thượng Ðế, người Pháp gọi là Dieu. Người Ấn Ðộ gọi là Brahma, người Hébreux gọi là Jéhovah, v.v… Tuy mỗi nước xưng tụng danh hiệu Ðức Chí Tôn theo tiếng nước mình, chớ tựu trung cái tư tưởng cũng chỉ về có một Ðấng Chúa Tể mà thôi. Ðã rằng Ðấng Tạo Hóa sanh ra muôn loại, thì con người ai lại chẳng tôn trọng cái hồng ân vô cực ấy? Ðã rằng Ðấng Tạo Hóa là bực toàn tri, toàn năng, biến hóa vô cùng, thì con người ai mà chẳng khủng khiếp cái hồng oai vô thượng ấy? Có tôn trọng cái hồng ân của Ngài, có khủng khiếp cái hồng oai của Ngài, lòng người mới phát hiện ra cái quan niệm sùng bái thờ phượng Ngài vậy.

Toàn cả thế gian, tự cổ chí kim, từ dân tộc dã man dĩ chí dân tộc văn minh, nhơn loại bao giờ cũng chú trọng về Ðạo thờ Trời, nhưng cách thức thờ phượng cùng lễ nghi tế tự, sở dĩ khác nhau là vì nước nào do theo phong tục nước nấy. Bên Âu Mỹ, ai cũng được thong thả thờ Trời, chớ không phải như nước Tàu và nước Nam ta khi xưa, chỉ có nhà vua mới đặng đứng ra tế Trời (Tế Giao) mà thôi, vì ý tưởng rằng chính mình bực Thiên tử mới xứng đáng thay mặt cho cả thần dân mà dưng lễ tế ấy, cho rằng thần dân là bực thấp hèn không phép đường đột ra mà tế Trời, e khi có thất lễ đi chăng, cho nên nhơn dân dẫu rằng có lòng tôn trọng sùng bái đến đâu đi nữa, cũng không thể tỏ ra bề ngoài, mỗi năm chỉ đợi đến ngày mồng tám tháng Giêng, đặt ra trước nhà một bàn vọng Thiên gọi là hả hơi chút ít. Cái quan niệm thờ Trời đã sai lầm như thế làm cho đạo tâm con người một ngày một mòn mỏi. Ai ai cũng biết rằng Ðức Thượng Ðế là Chúa Tể cả Càn Khôn Thế Giái, khi ốm đau tai nạn thường hay cầu khẩn nơi Ngài, nhưng đối với Ngài người Nam ta chỉ có cái chủ nghĩa "Kính trọng mà không thờ phượng". Ngặt vì tánh tình người mình vẫn chú trọng về lối tôn sùng, mà bởi không phép thờ Trời, nên mới sanh ra cái chủ nghĩa “Ða Thần", rồi tha hồ ai muốn tôn trọng vì Thần Thánh nào tùy ý. Trong việc tế lễ đã chẳng có pháp mục qui điều gì cả, mà lòng mê tín cho đến đỗi thờ phượng Tà thần Tinh quái. Nhơn đó mà sản xuất ra nào là Tả đạo Bàng môn, dị đoan, tà thuyết.

Cuối kỳ Hạ ngươn nầy, Ðạo Trời rộng mở ra tại Nam phương cho mọi người có lòng tín ngưỡng đều được thong thả phượng thờ Ðức Thượng Ðế nơi nhà, thế thì lòng ngưỡng vọng của chúng ta đối với Ðạo Trời từ đây mới mãn nguyện, rồi sự mê tín xưa nay của phần nhiều trong bực hạ lưu nước ta sẽ bắt đầu lần lần tiêu diệt.

Thoảng như có người sẽ hỏi: "Tạo Hóa là Ðấng toàn tri, toàn năng, hóa sanh muôn loại, bông hoa, cây trái, vật nào lại không phải của Ngài tạo ra, như vậy cần chi mình phải dùng những vật của Ngài tạo ra mà cúng dâng lại cho Ngài?".

Xin đáp: “Ðấng Tạo Hóa sanh ra ta lại ban cho ta một điểm linh hồn thông sáng, nhờ đó mà ta đứng vào địa vị tối linh hơn muôn loại. Vậy ta phải biết ơn Ðấng Tạo Hóa. Cũng bởi muốn tỏ dấu biết ơn ấy, ta mới thờ phượng Ngài, mà đặt ra hễ thờ phượng thì phải dụng hương đăng trà quả theo lễ nghi tế tự nước nhà vậy thôi, chớ Ngài đâu phải dùng đến".

Hoặc giả kẻ ấy gạn hỏi nữa như vầy: "Tôi tưởng lại Ngài là bực tối cao, tối trọng, đại từ, đại bi, cần chi cho chúng ta biết ơn? Mà dầu cho chúng ta không biết ơn đi nữa, lòng đại từ đại bi của Ngài cũng không bao giờ chấp nhứt".

Xin đáp: “Phải, Ðấng Tạo Hóa là bực tối cao, tối trọng cần chi cho ta biết ơn, lại lòng đại từ, đại bi của Ngài vẫn không hề chấp nhứt kẻ không biết ơn Ngài, thậm chí Ngài cũng không chấp đến kẻ không tin có Ngài nữa. Song bổn phận chúng ta đặt ra hễ có mang ơn thì phải biết ơn mới là phải đạo. Cúng kiếng thờ phượng Ngài, mến yêu tin tưởng Ngài, ấy là tỏ dấu biết ơn Ngài trong muôn một. Ví dụ như kẻ kia có thọ ơn nặng của một người giàu sang, quyền quới. Kẻ ấy lại nói rằng: "Người ơn của tôi tiền của có, quyền tước có, tuy tôi thọ ơn nặng của người, chớ không cần chi tôi phải trả ơn, vì người có cần chi đến tôi đâu?”. Lời luận lảm nhảm như vậy, tưởng không cần thất công cãi lẽ.

Hoặc giả kẻ ấy lại còn hỏi thêm rằng: "Dầu mình biết ơn Ðấng Tạo Hóa, tưởng lại một tấm lòng kỉnh thành tin tưởng là đủ, vì Ngài là Ðấng tối linh, tâm mình vừa động, Ngài đã hiểu biết rồi, vị tất phải bày ra lễ nghi tế tự là cuộc phô trương bề ngoài?".

Xin đáp: “Ở nhầm thời đợi ồn ào náo nhiệt nầy, nhiều việc làm cho đạo tâm ta mau xao lãng: nào là nỗi sớm lo, chiều liệu trong đường sinh kế, nào là cuộc bi thương hoạn lạc, mỗi mỗi làm cho ta xa lần mối đạo. Cho nên cần phải có phương chi để nhắc nhở và bó buộc lòng ta cho khỏi thất đạo (*1). Cái phương pháp ấy, tức là việc cúng kiếng, phượng thờ Ðấng Tạo Hóa vậy. Vả lại, việc cúng thờ cần phải hiệp đông người và phô trương ra một cách chí thành, chí kỉnh, có pháp mục oai nghiêm mới ra vẻ tôn giáo. Ấy chẳng những là một phương pháp nhắc nhở lòng ta đừng lãng xao đường đạo và nuôi nấng đức tin cho những người cùng chung một mối tư tưởng, mà lại cũng là một cách khôi phục lòng người ngoại cuộc. Kìa một Thánh Thất đương khi hành lễ, cả bổn đạo đồng quì lại trước Thiên bàn, miệng đương thành kỉnh niệm kinh, tinh thần đương lúc nương theo mùi hương ngào ngạt mà bay thấu Linh Tiêu. Ðối với tấm lòng chí thành, chí kỉnh của nhiều người hiệp lại, dầu cho ai là kẻ trước muốn chê bai phỉ báng, mà đã vào nơi một cái hoàn cảnh oai nghiêm êm tịnh như vậy rồi, tưởng lại tấm lòng khi ngạo cũng phải xiêu xiêu giảm xuống".

Ngày nào cái quan niệm thờ Trời khắp cả hoàn cầu đều được đồng nhứt thể, nghĩa là ngày nào cả thiên hạ hiểu rằng tuy tiếng đặt ra để xưng tụng Ðấng Tạo Hóa mỗi nước mỗi khác, chớ kỳ trung cũng chú ý thờ phượng Ðấng Chúa Tể cả Càn Khôn, Thế Giái, thì ngày ấy cái chủ nghĩa tín giáo sẽ được thống nhứt (unité des croyances) rồi các sắc nhơn dân, hễ nuôi nấng một lòng tín ngưỡng, thì mới biết hòa hiệp nhau, tương thân, tương ái, chung một Tỉ Tổ tức là chung một Cha, nước nầy nhơn đó mà liên hiệp với nước kia, người xứ kia nhơn đó mà đoàn thể với người xứ nọ, làm cho năm châu chung chợ, bốn biển một nhà, hết phân biệt màu da sắc tóc, bỏ nghi kỵ lẫn nhau, thôi xâu xé lẫn nhau, rồi đời mới được thái bình, trăm họ mới được núp mát dưới bóng cờ bác ái.

Chúng ta nên hằng bữa thắp hương cầu nguyện cho mau đến ngày hạnh phước ấy, cho cái chủ nghĩa "Tín giáo thống nhứt" đặng mau kết quả. Mà muốn cho cái chủ nghĩa cao thượng ấy kết quả đặng, duy có Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là cơ quan vận động. Lẽ ấy cũng do Thiên ý, chớ chúng ta là kẻ phàm phu tục tử khó mong vọng cầu đến việc lớn lao tày đình như vậy. Tiên Nho có câu: "Nhứt ẩm nhứt trác sự giai tiền định". Một việc ăn, một việc uống là việc rất nhỏ mọn mà còn có định trước thay, hà huống Ðạo Trời mới phổ thông vừa đặng bốn năm mà số người tín ngưỡng kể đến hằng triệu. Xét đó thì biết rằng nếu không phải Thiên ý thì nhơn lực không bao giờ làm đặng.

Vốn từ trước Thánh giáo bị vào tay phàm mà hóa ra phàm giáo, người trong mỗi đạo chỉ biết tôn trọng vị Giáo chủ của mình mà thôi, vì vậy mà đạo nầy nghịch lẫn đạo kia, nhơn đó mà gây ra lắm cuộc công kích xung đột lẫn nhau về đường tôn giáo.

Ngày nay Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ra đời là để giải cái nạn tôn giáo ấy. Tôn chỉ cốt để lo truyền bá cho dân gian biết rằng các tôn giáo đều một gốc mà ra, đều phải tôn sùng chung có một vì Chúa Tể. Ngài là Ðấng cầm quyền qui các Ðạo gom về một mối, để dìu dắt cả sanh linh thoát đọa tam đồ, khỏi vòng luân hồi quả báo mà trở về nguyên bổn, không một ai dưới thế nầy được gọi mình là Giáo chủ. Hội Thánh (le Sacerdoce) lập ra là sở dĩ buộc cho có chánh thể tôn ti để giữ gìn trật tự mà phổ thông mối Ðạo. Hội Thánh không phải toàn là người Nam Việt, chẳng luận người nước nào, ai nhiều đạo đức, quyết chí tu hành đều được gấm ghé vào hàng Chức Sắc (*2). Tưởng chắc trong vài năm sau đây, trong Hội Thánh sẽ hòa hiệp dân lành các nước rồi xúm nhau chung lo nền đạo, phổ thông chủ nghĩa "Bác ái" khắp cả toàn cầu.

Nhơn loại biết thương lẫn nhau, biết nhìn nhau là con một cha, ngoài ra cái chủ nghĩa tối cao tối thượng của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, vị tất còn biết trông cậy vào đâu cho đặng?

Ðạo Trời mừng gặp mở lần ba,
Có Ðạo như con ở một nhà.
Trăm họ cùng chung lòng tín ngưỡng,
Ngậm cơm vỗ bụng hưởng an hòa.

 

(*1) Ðối với người đạo tâm mạnh mẽ, thì không cần phải nhắc nhở, song đó là phần ít.
(*2)
Hiện nay trong hàng Chức Sắc đã có người ngoại quốc rồi: Langsa, Trung Huê, Cao Man.

 
 

MỤC LỤC

 

III. TAM GIÁO HIỆP NHỨT

 

Khắp hoàn cầu, không nước nào là không có một nền tôn giáo, mà tôn giáo nào cũng trải qua một cái lịch sử vẻ vang, trong đấy lại tương truyền lắm chuyện huyền bí, phép tắc lạ thường. Song những việc mầu nhiệm ấy, một phần là có thiệt, phần nhiều tự tay người trong đạo vẽ viên ra, chủ ý là để nâng cao giá trị đạo mình.

Lược luận về Tam Giáo phát tích ở Trung Nguyên (nước Tàu) tác giả sở dĩ do theo chơn lý mà giải bày ý tưởng, về việc sâu xa huyền bí, xin để riêng ra.

***

Nước Tàu vẫn có ba mối Ðạo lớn là: Lão Giáo, Thích Giáo, Khổng Giáo gọi là Tam Giáo. (*1)

Lão Giáo là Ðạo của Ðức Lão Tử truyền ra. Ngài sanh nhằm đời nhà Châu, lối 604 năm (*2) trước Chúa Giê-giu giáng thế.

Khổng Giáo là Ðạo Nho của Ðức Khổng Tử lập thành. Ngài cũng sanh nhằm đời nhà Châu, lối 551 năm (3*) trước Chúa Giê-giu giáng thế.

Cũng trong đời nhà Châu, Ðức Thích Ca (Thích Già) lại giáng sanh bên Ấn Ðộ lối 560 năm trước Chúa Giê-giu giáng thế. Ngài lập thành Ðạo Phật. Sau lần lần Ðạo Phật truyền sang Trung Quốc mà đặng thạnh hành là kể từ khi ông Trần Huyền Trang sang Ấn Ðộ thỉnh kinh Tam Tạng đem về nước mình (629 năm sau Chúa Giê-giu giáng thế).

Sách truyền rằng có một lần Ðức Khổng Tử yết kiến Ðức Lão Tử, khi trở về nói với chư môn đệ rằng: "Chim thì bay, cá thì lội, thú thì chạy. Mà chim bay có thể bắn, cá lội có thể câu, thú chạy có thể giăng lưới, duy có con rồng biến hóa theo mây gió thì ta không biết làm sao mà bắt đặng. Lão Tử tức là con rồng vậy".

Ðó đủ chứng rằng Ðức Lão Tử và Ðức Khổng Tử xưa kia chẳng hề nghịch lẫn nhau, mà Khổng Tử lại còn khen phục Lão Tử nữa. Sau ra Khổng Giáo và Lão Giáo có chỗ xung đột lẫn nhau là chỉ tại nơi môn đồ hai bên vì câu "Các thị kỳ đạo" (*4) mà ra nông nỗi.

Ðức Khổng Tử dạy về Nhơn Ðạo, lấy nhơn luân xã hội làm gốc. Tôn chỉ Ðạo Khổng là lo chung cho xã hội vậy.

Ðức Lão Tử thì dạy về Tiên Ðạo, chuyên chú về phương pháp hư vô huyền bí, để cầu cho linh hồn đặng thảnh thơi an tịnh. Tôn chỉ Ðạo Lão là lo phần hồn cho cá nhân vậy. Ðạo Lão vẫn là cao thâm huyền bí, nên ít người hiểu thấu. Vả lại, trong kinh sách Ðạo Lão, nhứt là trong “Ðạo Ðức Kinh" lý luận đều là lời nói bóng dáng, chỗ giấu chỗ bày, làm cho nhiều người chẳng những học sái hiểu lầm, mà lại còn canh cải vẽ viên ra nhiều thế, thành ra một mối đạo rất cao thượng ẩn vi phải hóa ra một lối dị đoan thậm là hoang đàng vô lối.

Nay thử đem Khổng Giáo và Lão Giáo dung hòa lại để bổ khuyết cho nhau, thì hạp lẽ lắm. Ta nên vừa lo Nhơn Ðạo (Ðạo Khổng) vừa lo Tiên Ðạo (Ðạo Lão) một lượt. Vả Ðạo Khổng cần phải động, còn Ðạo Lão là Ðạo cần phải tịnh. Phàm con người ở đời, hễ có động, tất phải có tịnh, ấy là luật quân bình (loi du rythme). Như ban ngày hoạt động lao thần mệt xác, ban đêm cần phải nghỉ ngơi để tịnh dưỡng tinh thần cùng bồi bổ sức lực lại mới đặng. Khi phải bôn xu theo đường sinh kế, ta cần phải lấy cang thường luân lý mà cư xử với đời, lấy lòng đạo đức mà đối đãi với nhơn quần xã hội cho tròn nghĩa vụ làm người. Ấy là giữ theo Nhơn Ðạo vậy.

Ngoài giờ làm lụng, trong cơn nhàn, khoảng vắng, ta phải biết di dưỡng tinh thần, cho tâm hồn được thảnh thơi mát mẻ, đoạn cả điều tư lự, không cho một điểm trần diêu động đến thanh tâm, thì tinh thần mới được yên tịnh mà tiếp lấy thanh khí Tiên Thiên, tẩm tưới cho linh hồn ngày một được thêm nhẹ nhàng trong sạch, rồi đem cái tình cảm hóa của ta để ứng hiệp với Trời Ðất. Ấy là giữ theo Tiên Ðạo vậy. Thế thì Nhơn Ðạo (Ðạo Khổng) và Tiên Ðạo (Ðạo Lão) cần phải nối nhau để bổ khuyết cho nhau mới thuận theo luật quân bình thiên nhiên đặng.

Bây giờ ta thử xem coi Ðạo Lão và Ðạo Phật có chỗ điều hòa nhau được chăng? Lúc Ðạo Phật mới bắt đầu phổ thông qua Trung Quốc, thì nhà Phật cũng nương theo Ðạo Lão mà truyền bá tôn chỉ đạo mình. Cũng nhờ tư tưởng và triết lý Ðạo Phật và Ðạo Lão có nhiều chỗ phù hạp nhau lắm, nên các nhà truyền Ðạo Phật mới mượn những danh từ của Ðạo Lão để diễn giải tư tưởng mới của đạo mình. Nhờ vậy Ðạo Phật mới được người Tàu hoan nghinh mà sự phổ thông cũng khỏi gặp lắm điều trắc trở. Thế thì Ðạo Lão và Ðạo Phật đã điều hòa nhau từ khi Ðạo Phật mới bắt đầu truyền sang Trung Quốc vậy. Cứ theo mấy cớ bày giãi trước đây, thì Tam Giáo hiệp nhứt là lẽ phải vậy. Ðó là một lẽ. Còn một lẽ thứ hai như vầy:

Theo lẽ tuần hườn, việc chi cũng có đầu, có giữa rồi mới tới khúc đuôi là chỗ cuối cùng. Ðến chỗ cuối cùng rồi, tất phải trở lại đầu, gọi là qui nguyên. Ðại Ðạo mở ra đều do theo ngươn hội, mỗi ngươn hội đều có Tam Giáo cả.

Như Thượng ngươn nhằm Tý hội, thì có Nhứt Kỳ Phổ Ðộ. Nhơn Ðạo thì có Bàn Cổ mở mang, Tiên Ðạo có Hồng Quân Lão Tổ lập thành, Phật Ðạo có Nhiên Ðăng truyền giáo.

Qua Trung ngươn nhằm Sửu hội, thì có Nhị Kỳ Phổ Ðộ. Lập Nhơn Ðạo có Khổng Tử, Tiên Ðạo có Lão Tử, Phật Ðạo có Thích Ca.

Nay đến kỳ Hạ ngươn nhằm Dần hội, nên Ðức Thượng Ðế lựa năm Bính Dần, dùng huyền diệu cơ bút lập thành Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Vì Hạ ngươn là ngươn chót, ngươn cuối cùng, nên Ðại Ðạo phải qui nguyên theo lẽ tuần hườn. Vì vậy mới có cái chủ nghĩa Tam Giáo qui nhứt. Tam Giáo bằng không qui nhứt, thì thế nào qui nguyên cho đặng? Ðó là lẽ thứ hai.

Vả, nước Nam ta chịu ảnh hưởng Tam Giáo rất lâu đời, mối chánh truyền đã biến đổi.

Cho nên mục đích Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là cốt để qui Tam Giáo hiệp nhứt, sửa đổi tôn chỉ lại cho quang minh chánh đại, cho thích hạp thời nghi, rồi gióng trống "Lôi Âm" rung chuông "Bạch Ngọc", thức tỉnh nhơn sanh khử ám hồi minh mà theo đường đạo đức.

Từ đây nước Nam ta mới có một nền Chánh giáo rất long trọng mà tự chúng ta nhờ Ðức Thượng Ðế dìu dắt lập thành. Ấy là một điều đại hạnh phúc cho nòi giống Việt Nam ta, lại cũng là một điều đại vinh diệu xưa nay ta chưa từng thấy vậy. Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ sẵn lòng hoan nghinh cả tín đồ trong các giáo, đánh đổ cái quan niệm "Các thị kỳ đạo" rồi dùng một mối "Tín ngưỡng độc nhứt" mà buộc nhau cho ngày một khắng khít, để cùng nhau chung thờ một Thần Chơn lý mà thôi.

Ấy ai là người mộ đạo tu hành, xin bỏ dạ hiềm nghi, dứt lòng đố kỵ, hãy đồng tâm hiệp lực, sớt nhọc chia lo để hoằng hóa mối Ðạo Trời, thả chiếc thuyền từ vớt muôn triệu sanh linh đương nổi chìm trong khổ hải. Ấy là công quả rất lớn lao trong thời kỳ khai đạo lần ba nầy vậy.

 

(*1) Xin luận về Tam Giáo về Nhị Kỳ Phổ Ðộ mà thôi. Còn Nhứt Kỳ Phổ Ðộ thì lâu đời lắm, xin miễn luận.
(*2)&(*3) Do theo các nhà bác học Âu Châu khảo cứu.
(*4) Ai cũng lấy Ðạo mình làm phải, làm chánh.

 
 

MỤC LỤC

 

IV. TU HÀNH

  1. Ðiều cần ích nhãn tiền của việc tu hành
  2. Tu hành vẫn có cái công hiệu phủ ủy lòng người

Nghe đến tiếng Tu, có người dường như sợ sệt, vì cho là một việc rất khó khăn khổ hạnh xưa nay chỉ để cho một ít người có căn phần riêng chi đó mới mong làm đặng. Cái quan niệm sai lầm như vậy làm cho nhiều người thuở nay đã có tu chút ít rồi mà tự mình không dè đến, lại còn có kẻ bao giờ đã thi thố lắm điều tội lỗi mà chẳng biết tìm phương tự hối. Nếu biết nghĩa lý chữ Tu rộng ra là dẹp hết tánh tình hư xấu, giồi lòng sửa nết để dọn mình cho trong sạch mà chuyên bề đạo đức, chớ không có điều chi buộc mình phải chịu khó khăn khổ hạnh, thì thiếu chi người dám tu, mà rồi kẻ dữ nào đã còn chút lương tâm tất có ngày cũng biết hồi tâm hướng thiện mà trở lại đường ngay nẻo thẳng.

Tu không buộc mình phải cạo đầu, mặc áo già, ở chùa tụng kinh gõ mõ mà đếm công. Quí chăng tại tâm đó thôi. Phương ngôn có câu: “Nhứt tu thị, nhị tu sơn”. Thế thì tu tại gia mà giữ tròn bổn phận, công phu còn hơn kẻ tu núi, là vì ở chốn phiền ba náo nhiệt mà đạo tâm bền vững chẳng nhiễm bợn nhơ, không khác nào hoa sen mọc chốn ô nê mà vượt lên tốt tươi trong sạch. Tu tại gia, mỗi người vừa lo được Nhơn đạo vừa lo được Thiên đạo, cũng bươn chải làm ăn như thường, song khác hơn người thường là ngoài giờ làm lụng, thay vì chơi bời vô ích, cờ bạc rượu trà, vân vân, cho tốn tiền sanh bịnh, mình lại để giờ rảnh ấy mà trau giồi đức hạnh, quan sát việc hành động mỗi ngày lại coi phải quấy thể nào, như lỡ có làm điều chi mình nghĩ ra biết là quấy, thì phải ăn năn sám hối hầu ngày sau đừng tái phạm. Trong giờ rảnh lại cần phải để lòng thanh tịnh mà di dưỡng tinh thần cùng tưởng Trời niệm Phật. Hễ thành tâm tưởng niệm, tự nhiên có Trời Phật độ cho, vì Trời Phật tại tâm chớ chẳng đâu xa.

Vẫn biết rằng tu hành còn có nhiều bực cao thượng khó khăn hơn nữa, nhưng đó là bực thượng thừa, chớ tu tại gia mà giữ cho tròn bổn phận một người cư sĩ, một bực tín đồ, tưởng lại người có lòng mộ đạo ai ai cũng tu được cả.

 

A. ÐIỀU CẦN ÍCH NHÃN TIỀN CỦA VIỆC TU HÀNH

Do theo sách luân lý học thuyết của các bực hiền triết Âu Châu làm ra, ta có thể đoán rằng những bực ấy thường đã nghiên cứu về luân lý một cách rất quang minh tiêm tất chẳng kém gì các bực tiên nho của ta. Thế thì văn minh Âu Châu, phần nhiều dầu cho xu hướng về vật chất, chớ cũng chú trọng về tinh thần vậy. Ngặt vì người mình hấp thọ cái văn minh ấy chỉ mới cảm cái hình thức (vật chất) mà thôi, chớ chưa thâm thúy đến chỗ tinh thần. Cho nên từ khi người Nam ta bỏ cựu theo tân mà được ảnh hưởng chút ít văn minh hình thức của Âu Châu, thì nền luân lý nước nhà xem chừng có chiều nghiêng đổ. Thành thử trong cuộc hành vi sanh hoạt, trăm ngàn hạnh phúc đều đắm đắm, đuối đuối cho mảnh hình hài xác thịt mà quên hẳn tinh thần, thậm chí có người chỉ chuyên tâm về đường vật chất mà thôi, cho rằng Thiên đường, Ðịa ngục là câu chuyện hoang đàng; thất phách, tam hồn là lời bịa đặt. Vì vậy nên hãy nghe đến việc "tụ khí ngưng thần", "trúc cơ luyện kỷ” lại nhăn mặt trề môi, cho là lối dị đoan mê hoặc. Song đó là quyền tư tưởng tự do của mọi người, chúng ta chỉ có thở than mà không nên biện bác. Thế tình đã vậy, chúng ta buộc phải giải bày cái công dụng cần ích nhãn tiền của việc tu hành cho rõ ràng đích xác, thế nào cho kẻ thiên lệch về phương vật chất cũng chẳng còn có lời chi chối cãi. Vả chăng, luật Ðạo buộc phải ăn chay giữ giái, lánh dữ theo lành. Giữ đặng vậy ắt thấy cái lợi nhãn tiền không sai. Ăn chay đã ít tốn kém, lại tiếp dưỡng thân mình tráng kiện (*1). Không tà dâm thì khỏi hao kém tinh thần, khỏi lo bịnh phong tình hoa liễu, trong gia đình khỏi xảy ra cái thảm trạng ghen tương để bỏ, ngoài xã hội lại khỏi gây thù kết oán. Không tham lam trộm cướp khỏi lo tù tội buộc ràng, không rượu thịt khỏi lo hao kém tinh thần, say sưa vất vả, không vọng ngữ, kẻ chuộng người tin, không cờ bạc khỏi lo thua kém, làm lành đòi bữa an tâm, gây dữ ghe ngày mang hại, vân vân… Ðó là lẽ cố nhiên ai ai cũng biết lựa phải giải luận dông dài.

Nhà luân lý, nhà giáo dục đều nhắc nhở hằng ngày, chẳng lựa chi đến nhà tôn giáo. Song le, nhà luân lý chẳng qua là chuyên về lý thuyết (théorie), nghĩa là chỉ bày cách thức phải làm, làm sao gọi là lành, là dữ, là phải, là quấy cho hoàn toàn nhơn cách ở đời, tức là định cái phương châm cho nhà giáo dục noi theo đó mà hóa dân, chớ sao bằng nhà tôn giáo là người đứng ra thiệt hành cái phương châm ấy để làm tiêu chuẩn, làm gương sống (exemple vivant) cho mọi người bắt chước. Muốn tỉ thí cho dễ hiểu hơn, thì nhà luân lý chẳng khác nào người vẽ họa đồ nhà (architecte), nhà giáo dục ví như anh thầu khoán (entrepreneur) do họa đồ mà chỉ vẽ cho dân thợ làm theo, còn nhà tôn giáo chính là dân thợ (ouvriers) đứng ra cất nhà vậy. Luân lý học, giáo dục học là lý thuyết, tôn giáo tức là thiệt hành (pratique). Tóm lại, đối với nền đạo đức, nhà tôn giáo vẫn có cái công hiệu trổi hơn nhà luân lý, nhà giáo dục bội phần.

Trước kia đã cho rằng nhà tôn giáo là một cái gương sống cho mọi người bắt chước, vậy tưởng cũng nên bàn giải coi nền tôn giáo hiện kim tức là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ vì đâu mà có cái ảnh hưởng rất long trọng ấy cho gia đình đức dục và cho xã hội đức dục.

1. ẢNH HƯỞNG CHO GIA ÐÌNH ÐỨC DỤC.

Vả, gia đình là nơi bắt đầu đào tạo nhơn cách. Trẻ con ví như hột giống, gia đình là vuông đất để gieo giống xuống, đức dục là phân tốt nhờ đó mà hột giống nảy nứt ra cây tươi, nhánh tốt. Mà ai là người đứng ra vun quén cho cây nhánh tốt tươi? Tức là kẻ làm cha mẹ trong gia đình đó vậy. Song kẻ ấy phần nhiều là không đủ tư cách nhà đức dục, tuy cũng có người hoàn toàn phẩm hạnh, học thức cao sâu, song lại bị gia đạo buộc ràng, bôn xu theo thế sự mà lập chước sanh nhai, cho đủ cơm ngày hai buổi theo cái thời đợi gạo châu củi quế nầy, không mấy người là rảnh rang để chăm nom un đúc tánh tình con trẻ, thành ra cái "đèn đức dục" nơi gia đình bảo sao không hết dầu mà sắp tắt? Ðương hồi ngọn đèn ấy bựt lên lần chót hầu sắp sửa tắt đi, may đâu lại có người đem dầu đến châm thêm, đoạn khêu cao ngọn lên cho sáng tỏ. Dầu ấy ở đâu? Người châm dầu, khêu ngọn ấy là ai? Dầu ấy tức là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, người ấy tức là chư Chức Sắc đã lãnh cái trách nhậm phổ thông nền Ðạo vậy.

Như vợ chồng có Ðạo mà giữ cho đúng đắn, thì đối với nhau vẫn có hai cái tình mật thiết, một là vì tình đồng tịch, đồng sàng, hai là vì chỗ đồng thuyền đồng đạo. Rồi hai đàng làm mô phạm lẫn cho nhau trong đường đạo, chồng có ý phui pha, sẵn có vợ nhắc chừng, vợ có dạ lãng xao, sẵn có chồng kềm thúc. Cái lạc thú trong gia đình nhơn đó mà được vững vàng miên viễn.

Phàm con cái đều là bắt chước theo cha mẹ trong việc cử chỉ hành vi. Cha mẹ đã có ít nhiều đạo đức, đã biết tu tâm dưỡng tánh, lẽ nào con cái không nhờ đó mà cảm hóa theo? Ấy vậy, hễ cha mẹ có đạo mà giữ cho chính chắn, thì tức là "gương sống" để cho trẻ con bắt chước vậy. Phương chi, mỗi lần cúng kiếng, toàn là tụng niệm kinh lành, lần lần nhựt nhu, nguyệt nhiễm, bảo sao con cái không cảm lấy điều lành mà trở nên lương thiện?

Lại nữa, người giữ Ðạo chính chắn trong nhà không bao giờ có những pho truyện phong tình hoa nguyệt, có chăng là chỉ có sách đạo, kinh lành vậy thôi, trẻ con đã khỏi cái nạn "dâm thơ dục quấy" mà lại còn được cảm giác lấy lời hay lẽ phải, ý tốt, gương lành. Tôn giáo có ảnh hưởng cho gia đình giáo dục cốt yếu là vì thế.

2. ẢNH HƯỞNG CHO XÃ HỘI GIÁO DỤC.

Thử xem trong một nhà trường kia, khi chưa tới giờ học, trừ ra một vài trò siêng năng biết lo ôn bài đọc sách, còn bao nhiêu thì là chơi bời, giỡn trửng nào là đánh nhà, bắn đạn, nào là rượt bắt lẫn nhau, nói năng cười cợt, không lo chi đến việc học hành, mà hễ nghe trống học giống lên, cả thảy đều bỏ hết việc chơi, im lìm lẳng lặng, xúm nhau sắp hàng, lớp nào theo lớp nấy đặng có vô mà học. Quí hóa thay mấy hồi trống lịnh! Chỉ có ít tiếng "thùng thùng …” mà đủ nhắc nhở cho cả học sanh biết lo tròn bổn phận.

Bây giờ ta lại xem qua cái "nhà trường xã hội". Trừ ra có một ít người đạo đức chuyên việc tu thân, còn bao nhiêu thì là đua chen theo đường sanh kế, nào là trục lợi đồ danh, nào là giành giựt lẫn nhau mạnh hơn yếu sút, không mấy ai nghĩ đến tiền căn cựu vị phòng lo việc tu hành. Nếu có tiếng trống chi để cảnh tỉnh lòng người, tưởng lại chẳng mấy ai mà không biết hồi tâm hướng thiện. Tiếng trống ấy tức là tiếng trống Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ vậy. Mới gióng lên vừa đặng bốn năm mà công hiệu rất nên to tát, cảm hóa ngót một triệu con người biết truy hối mà lo bề đạo đức. Số một triệu người ấy (*2) vừa làm mô phạm lẫn nhau vừa treo lên một cái gương sống để soi chung cho xã hội. Nhờ cái ảnh hưởng ấy mà xã hội Việt Nam sau nầy sẽ đằm thắm trong đường đạo đức.

 

B. TU HÀNH VẪN CÓ CÁI CÔNG HIỆU PHỦ ỦY LÒNG NGƯỜI

Một người kia, thuở nay chỉ có bo bo mưu lợi cho mình mà thi thố lắm tội ác: quanh năm cứ vụ tất đồng tiền, chỉ biết có mình mà không biết thiên hạ, chỉ riêng cầu hạnh phúc cho gia đình mình mà không đoái hoài đến xã hội. Trong cơn khoảng vắng canh tàn, là buổi tâm hồn được thảnh thơi, thơ thới, giá như người ấy biết hồi đầu suy nghĩ, xét đến từng cách mình đã thủ lợi, từng chước mình đã gạt người, thì có lẽ cũng lai láng tấm lòng truy hối. Ðó là lúc lương tâm bắt đầu trách cứ, vì vậy mà lo lo, ngại ngại, trên đầu sợ Thần minh, ngoài thẹn với thiên hạ, trong hổ với lương tâm. Nếu không phương pháp chi để phủ ủy cho tâm hồn an tịnh, thì bao nhiêu sự nghiệp tự mình đã gầy dựng ra, tưởng bất quá cũng là một món để làm cho trái tai, gai mắt vậy. Cái phương pháp huyền diệu ấy phải tìm đâu mà đặng? Tức là trong việc tu hành vậy. Có quyết chí tu hành là biết cải hóa tự tân (*3) bòn chen âm chất, tuy chưa ắt chuộc hết tội tình nghiệt ác buổi xưa, nhưng một ngày hành thiện là một ngày vui dạ an lòng, rồi tâm hồn cũng nhờ đó mà lần lần an ổn. Vả chăng tu hành là thuận theo thiên lý, mà xa đường nhơn dục, thì ác tâm lại hóa ra thiện tâm, tâm đã thiện niệm rồi, thần trí mới được an tịnh thảnh thơi mà đặt mình ra khỏi vòng thống khổ của lương tâm đã bấy lâu cắn rứt.

Một người khác thuở nay đã đem hết tài trí quyết lo cho vận mạng nước nhà, đã hiến trọn tấm thân hữu dụng cho xã hội đồng bào, nhưng gặp nhiều cảnh ngộ khó khăn trắc trở, trái ngược với tâm chí mình, thêm nỗi thế tình khe khắc, nay thị, mai phi, làm cho một đấng ưu thế, mẫn thời bỗng nhưng lại hóa ra người chán đời thất chí.

Lại một người nữa thuở nay đã phấn chí đua chen trong đường sanh kế, đã dụng hết tâm huyết để kinh dinh sự nghiệp với đời, song vì số phận chẳng may, khiến gặp nhiều tai biến bất kỳ mà phải ra thân suy sụp, làm cho một kẻ có chí lo lắng làm ăn bỗng nhưng lại hóa ra người thất vọng. Người thất vọng, kẻ chán đời! Ðối với kiếp sống thừa, thôi còn biết chi là phong thú? Nếu không có phương chi để phủ ủy lòng người trong cảnh ngộ khổ cùng như thế, e lắm khi họ cũng tính quấy làm liều. Cái phương pháp quí hóa ấy phải tìm đâu mà đặng? Tức là trong việc tu hành vậy. Vì tôn giáo vẫn có cái năng lực cảm hóa lòng người rất nên thần hiệu: nhờ biết đạo, con người mới rõ tại sao mình phải lao đao, lận đận, tại sao cõi đời là cõi tạm, cuộc danh lợi là cuộc phù vân, đặng cũng không mừng, mà mất cũng không nên tiếc. Nhờ vậy người khuẩn bức mới phủi được cả điều xót xa phiền não, tự đặt mình ra ngoài vòng bi khổ, thì tự nhiên tâm hồn được khuây khỏa an ổn.

Tóm lại, tôn giáo ví như giọt nước rưới mát cả thảo mộc, côn trùng, thú cầm, nhơn loại. Ðối với kẻ biết hồi tâm tự hối, đối với người thất chí chán đời, lao đao lận đận, tôn giáo vẫn có cái phương phủ ủy rất nên hiệu nghiệm vậy.

 

(*1) Trong một bài vắn tắt như vầy, tác giả không thể luận việc ăn chay cho được đích xác e ra khỏi phạm vi đi chăng? Vậy xin xem qua quyển sách "ĂN CHAY” thì rõ.
(*2)
Trừ ra mấy người giả dối, mượn danh Ðạo để tính việc chẳng lành. Ðó bất quá là một vài con sâu mọt trong Ðạo mà không sớm thì muộn cũng bại lộ chơn hình cho thiên hạ ngó thấy. Vậy xin ai chớ vội thấy một ít người quấy đó mà cho cả người trong Ðạo là quấy hết.
(*3)
Chừa lỗi cũ mà sửa mình lại cho trong sạch.

 
 

MỤC LỤC

 

V. ÐỨC TIN (*1)

 

Tôn giáo nào cũng lấy đức tin làm gốc. Ðức tin rất cần ích cho người giữ đạo. Có đức tin làm đạo mới bền, không đức tin hoặc là yếu đức tin, sớm chầy phải "ngã”. Vì đức tin giúp cho trí lực ta thêm hăng hái, tinh thần ta thêm mạnh mẽ, mà nếu ta đem cả trí lực hăng hái, dụng cả tinh thần mạnh mẽ mà làm đạo, trí ta tin vậy, bụng ta chắc vậy, thì thế nào lại không đủ nghị lực mà chịu nỗi những điều khổ hạnh trong cuộc tu hành. Phương ngôn Pháp có câu “La foi transporte les montagnes”, nghĩa là: “Ðức tin chở đặng núi non". Thế thì đức tin mạnh là dường bao. Hễ ta hết lòng tin tưởng Trời Phật thì Trời Phật cảm ứng không sai, vì đức tin tỉ như vật chi đựng nước, còn cơ cảm ứng đối với đức tin ví như nước đem chứa vào trong. Hễ vật đựng lớn thì chứa nước nhiều, vật nhỏ thì chứa nước ít, mà hễ vật đựng nước bị nứt bể đi (là khi mất đức tin) thì chứa nước vào đâu đặng nữa?

Ðức tin của người nào đều do theo sở kiến của người nấy. Ai rõ thấu cơ huyền diệu Ðạo Trời rồi, đức tin vẫn đặc đông thành khối, cứng khư như sắt đá, đập chẳng nát, đốt không tiêu.

Ðức tin của kẻ cạn nghe hẹp thấy thì lưng chừng yếu ớt lắm, chẳng khác nào như bèo nổi mây bay, trên dưới đều không dựa vào đâu cả, một lượn sóng thị phi cũng đủ bủa tan, một trận dông kích bác cũng là quét sạch. Những kẻ ấy chỉ thấy người tin, cũng bắt chước tin theo, chớ không hiểu tại sao mà tin, rồi nghe ai kích bác lại vội vã "ngã” liền. Cái nhẹ tánh ấy lấy làm nguy hiểm, vẫn là một điều đại tội đối với Ðạo mình đã sùng bái vậy. Cho nên, trước khi tin tưởng điều chi, ta nên tìm kiếm, xét suy tột lý coi việc ấy đáng tin cùng chăng (*2). Ðến khi ta cho là chánh lý rồi, ta phải làm sao để nuôi nấng đức tin một ngày một mạnh thêm nữa, dầu phải gặp cơn khổ hạnh khó khăn, ta cũng chẳng ngã lòng thối chí.

***

Muốn cho gia đình hạnh phúc, ta cần phải nuôi nấng đức tin trọn cả gia tiểu, nhứt là của trẻ thơ. Vả chăng, trẻ thơ còn nhỏ, chưa biết điều tội lỗi, chưa nhiễm thói dị đoan, ấy là lúc ta nên un đúc đức tin của chúng nó về đường chánh lý. Ðó là một phương châm đặc biệt để ngăn ngừa oan nghiệt. Nếu chẳng sớm toan, đợi cho con trẻ lớn khôn gây nên nghiệp báo rồi mới lo ngăn đón, thì chẳng khác nào đợi cho mất của rồi mới lo phòng trộm cướp. Vả lại, con người từ nhỏ chí lớn có sẵn đức tin, ngày giờ nuôi nấng đã lâu thì đức tin rất mạnh, mà hễ đức tin đã mạnh, thì đủ thần lực mà cự đương với tục tình tội ác.

Phải làm thế nào để nuôi nấng đức tin cho trẻ con về đường chánh lý? Trước hết cha mẹ phải có một cái đức tin cho chánh lý. Ðức tin ấy cần phải cho thiệt vững vàng, phải gom đủ tinh thần mãnh lực. Ðức tin ấy phải lộ ra cho con cháu thấy mà bắt chước. Phàm con cháu hay bắt chước theo ông bà, cha mẹ trong việc cử chỉ hành vi. Như cha mẹ dạy con phải kính Trời, trọng Phật mà chính mình, mình không chủ ý đến, thì có ảnh hưởng vào đâu? Làm như thế chẳng khác nào mấy tấm bảng chỉ đường (poteau indicateur) dựng mấy ngã ba, ngã tư vậy. Mấy tấm bảng ấy cứ chỉ rằng đường nầy đi…, đường kia đi… mà bảng thì vẫn ở yên một chỗ. Hành khách do theo bảng ấy có khi cũng lạc đường, sao bằng có người dẫn dắt. Cha mẹ biểu con cái tin kỉnh Phật Trời mà mình thì không lộ ra một cái đức tin cho chánh đáng, bảo sao chúng nó không tin lầm, tưởng sái?

Phần nhiều người mình hễ con khóc thì nhát rằng: "Nín đi kẻo “Ông Kẹ” bắt chết. Lời nhát ấy làm hại cho trí tưởng con nít biết bao, vì cái tiếng “Ông Kẹ” ấy triêm nhiễm vào đức tin chúng nó, làm cho chúng nó tưởng tượng một “Ông Kẹ” rất hung ác bạo tàn hay bắt con nít mà ăn thịt. Ðó là một bước đầu dị đoan của cha mẹ mở ra cho con vậy.

Con nít thường hay rắn mắt, cha mẹ nghiêm cấm điều chi, tuy trước mặt không dám cãi lời, chớ sau lưng không khỏi lỗi lầm. Thay vì nhát “Ông Kẹ”, phải chi cha mẹ dặn con như sau đây thì quí biết bao:

"Con ngước mặt lên coi, khỏi trên xanh xanh đó có ông Trời rất nên linh hiển: Ngài hóa sanh ra trời, đất, mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, người ta, thú vật, cây cỏ, vân vân … Con mắt Ngài sáng lắm, điều chi mình làm, dầu trong chỗ tối, dầu giữa chỗ sáng, Ngài đều thấy rõ. Làm lành Ngài ban ơn, làm dữ Ngài răn phạt" (*3). Dặn như vậy, trẻ con tất phải tin sợ hoài hoài, rồi việc chi nghiêm cấm, dầu trước mặt, dầu sau lưng, chúng nó không dám phạm đến, vì chúng nó tự nghĩ rằng: "Tuy cha mẹ mình không thấy, chớ Ông Trời thấy hết".

Ấy có phải là một phương châm đặc biệt để nuôi nấng đức tin cho trẻ con chăng? Lớn lên, trẻ con vừa kính tin Ðấng Tạo Hóa, vừa triêm nhiễm điều lành, có phải là vừa giữ Thiên Ðạo, vừa giữ nhơn đạo chăng?

 

(*1) Tôi có dọn riêng một quyển luận về “Ðức tin", đây xin bàn nhón những điều đại khái mà thôi.
(*2)
Huyền vi mầu nhiệm Thiên Ðạo nhiều chỗ trí phàm chúng ta, dầu cho tấn hóa đến đâu đi nữa, cũng không thể nào thấu đáo được, nhà khoa học thiệt nghiệm cũng phải khoanh tay mà chịu. Ngày nay chúng ta được rõ chút đỉnh cơ mầu nhiệm ấy là nhờ Trời, Phật, Tiên, Thánh thương đời giáng cơ chỉ bảo. Những Thánh Ngôn ấy sưu tập thành một cái giáo lý đặc biệt chúng ta phải tin tưởng như lời, chớ không thế nào cãi lẽ cho được. Như Ðức Chí Tôn dạy rằng có 72 địa cầu (Tam thiên thế giái không kể), mà địa cầu chúng ta ở thuộc về hạng 68. Cái giáo lý ấy có thế nào mà thử cho biết chính lý hay không? Trừ ra ai không muốn tin thì thôi, chớ chúng ta đã tin nơi đạo thì có lẽ nào lại còn mơ hồ nghi hoặc?
(*3)
Tuy trẻ con chưa đủ trí khôn biệt phân điều quấy phải, dữ lành chớ điều gì cha mẹ cấm răn, tất nhiên chúng nó cũng hiểu đó là việc chẳng nên làm.

 
 

MỤC LỤC

 

VI. ÐỨC CHÍ THÀNH

 

Ðức chí thành là tánh chất thành thật, chơn chánh mà mọi người cần phải có, hầu để đối đãi nhau cho ngay thẳng, thật thà trong đường đời hay là đường đạo. Ðức chí thành là gốc năm thường, là nguồn trăm nết. Có chí thành, đạo hạnh con người mới đặng rõ ràng, sáng tỏ, không chí thành, đạo hạnh phải bị tà khuất tối tăm. Cho nên, con người ở đời mà không un đúc đặng một khối chí thành là gốc rễ, thì trông chi đến việc trau giồi đức hạnh là nhánh lá vậy. Ðức chí thành tỉ như một khối vàng ròng, dùng đó mà chế tạo ra lắm đồ trang sức tốt xinh cao giá. Chí ư khối vàng ấy phải pha, phải trộn, thì mất nguyên chất tự nhiên, rồi bảo sao những đồ trang sức làm ra không phải xấu hèn thấp giá?

Người xưa tuy quê hèn, song giữ đặng hai chữ chí thành: đối đãi với nhau chẳng hề biết dối giả, gạt gẫm là gì? Một tiếng ừ với nhau cầm đáng ngàn vàng, một lời hứa với nhau vẫn khư khư giữ chặt. Người nay tuy gọi văn minh tấn bộ, song cái ánh sáng văn minh chóa ra làm cho con người dường như bị nắng quáng đèn lòa mà xem không rõ cái chân tướng của đức chí thành đặng vậy. Cũng bởi không chí thành cho nên ở đời mới có người nầy xảo trá, kẻ kia gian tham, sanh lòng nghi kỵ lẫn nhau, đến đổi trong một việc làm nhỏ mọn mà có nhiều kẻ chung lo, thì cũng hóa ra hư hỏng. Theo đường đời mà đức chí thành còn quan trọng là thế, huống chi đường đạo là chỗ cần phải treo lên một tấm gương thanh bạch, hầu để soi chung thiên hạ. Người hành đạo cần có đức chí thành, tôn chỉ đạo mới đặng quang minh chánh đại, rồi nhơn đó mới đặng lòng tín nhiệm của chúng sanh. Khi tụng kinh cầu sám, khấn vái Trời Phật, nếu không đặng chí thành, thì tụng niệm luống công vô ích. Phải có chí thành mới có cảm, có cảm mới có ứng, có ứng mới có nghiệm. Cho nên có câu "Hữu thành tắc hữu Thần" là vậy đó.

Người làm đạo mà chí thành, thì chẳng hề để ý chi riêng về việc công quả, nghĩa là chẳng hề tính lập công quả mà cầu danh, chẳng hề ỷ mình lập nhiều công quả mà tự kiêu, tự đắc, rồi tác oai, tác phước, lập thế chuyên quyền, gây ra lắm điều trái đạo, ai nói cũng không nghe, ai khuyên cũng không nạp, ai trách cũng không dung. Người làm Ðạo mà chí thành, thì chỉ lo cho sanh chúng chớ không kể đến thân mình, tự buộc mình vào nơi khổ hạnh, đem cả hình hài trí thức làm món hy sinh cho tôn chỉ Ðạo, thân còn chẳng kể huống lựa là lợi, là danh!

Nói tắt một lời là làm Ðạo mà còn để chút ý riêng về lợi, về danh, thì chưa thiệt là chí thành vậy.

Người theo Ðạo mà không chí thành, thì bất quá là tu "cầu vui" tu "bắt chước", hoặc là tu "cầu mị” theo ông nọ, bà kia, đặng có dễ bề thân cận mà chác chuộng mua yêu, cùng trông ỷ lại nơi người vậy thôi. Người theo Ðạo mà không chí thành, thì bất quá là mượn danh Ðạo để vụ tất đồng tiền, hoặc lợi dụng đức tin của hàng thấp thỏi để mưu điều trái đạo.

Người giữ đạo mà không chí thành, dầu cho bác lãm quần thơ, rõ thông đạo lý đến đâu đi nữa, tưởng cũng không trông thành đạo. Ấy vậy, nếu rủi trong Ðạo mà có đại đa số người không chí thành, dầu cho tôn chỉ Ðạo cao thượng đến đâu đi nữa, nền Ðạo bất quá cũng để một trò cười cho thiên hạ.

Tóm lại, đức chí thành là gốc của nền đạo, tức là tánh mạng của Ðạo vậy. Cho nên trong bài kinh "Niệm hương” mở đầu có câu: “Ðạo gốc bởi lòng thành tín hiệp". Ðức chí thành không cần tập luyện mới có, chỉ tại nơi tâm mình muốn cùng không mà thôi. (1)

 

(1) Ghi chú: Theo quyển Ðạo Sử 2 Thánh Thất Westminter ấn hành năm 1990 thì hai bài “Ðức chí thành " và "Lòng bác ái" do Ðức Qu. Giáo Tông lưu lại. Thánh Thất NSW chúng tôi có trích in trong phần Phụ lục quyển "Phương châm hành đạo".

 
 

MỤC LỤC

 

VII. LÒNG BÁC ÁI

  1. Tại sao ta phải thương yêu cả nhơn loại?
  2. Tại sao ta phải thương yêu cả sanh vật?

 

Trên mặt địa cầu nầy, nhơn loại phần nhiều cũng bởi cái lòng vị kỷ mà gây ra lắm điều bạo ngược. Kẻ tham trộm là bởi quí trọng của mình mà không quí trọng của thiên hạ, vì vậy nên tính lấy của người đặng bổ thêm của mình, yếu sức thì gạt lường trộm cắp, mạnh thế lại ép đè cướp giựt, có khi còn hại đến mạng người. Ăn thịt một con sanh vật là lấy huyết nhục nó để bồi bổ cho huyết nhục mình, tức là quí trọng sanh mạng mình mà không quí trọng sanh mạng nó vậy. Như hai đàng chiến đấu, bên nào cũng đem hết sức lực để tiêu diệt bên kia, thì đàng nào cũng quí trọng mạng mình mà không quí trọng sanh mạng bên nghịch. Cái lòng vị kỷ gia hại cho nhơn quần xã hội cốt yếu là vì thế.

Nay muốn tảo trừ các điều hại ấy, cần nhứt phải làm thế nào cho thiên hạ ai ai cũng có cái lòng bác ái. Bác ái là gì? Bác là rộng, ái là thương. Lòng bác ái tức là lòng thương rộng ra. Ta chẳng những thương ông bà, cha mẹ, vợ con cùng là thân tộc họ hàng, mà ta còn phải thương rộng ra cho đến cả nhơn loại, chẳng luận nước nào, dân tộc nào. Ta chẳng những thương cả nhơn loại, mà ta còn phải thương rộng ra cho tới cả loài sanh vật khác nữa.

1. TẠI SAO TA PHẢI THƯƠNG CẢ NHƠN LOẠI?

Trên mặt địa cầu nầy, nhơn loại sở dĩ chia ra nhiều nòi, nhiều giống là cũng tại nơi phong thổ, khí hậu mỗi xứ mỗi khác. Cũng bởi xứ nầy nóng nực, xứ kia lạnh lẽo, xứ nọ ấm áp nên mới có ra các sắc nhơn dân đen, trắng, vàng, vân vân. Song đó bất quá là khác nhau về hình thể bề ngoài, chớ về tinh thần thiêng liêng thì ai ai cũng đồng thọ nơi Ðấng Tạo Hóa một điểm linh quang (hồn) nhờ đó mà sanh hoạt, mà tri giác. Ðức Chí Tôn có dạy: "Thầy phân Thái cực ra Lưỡng nghi, Lưỡng nghi phân Tứ tượng. Tứ tượng biến Bát quái, Bát quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn khôn Thế giái. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh.

Các con đủ hiểu rằng chi chi hữu sanh cũng do bởi Chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống, ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống. Vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận".

Lòng háo sanh của Ðức Chí Tôn đã là không cùng tận, chúng ta đây há không biết thuận theo thiên lý mà thương yêu cả nhơn loại như anh em một cha hay sao? Giữ được lòng bác ái như vậy, ắt khỏi phạm luật trời, tức là giữ Ðạo Trời, tức là biết thờ Trời vậy. Tiên Nho có câu: "Tồn tâm sở dĩ sự Thiên" là vậy đó.

2. TẠI SAO TA PHẢI THƯƠNG CẢ SANH VẬT?

Sanh vật vẫn là một phần trong chúng sanh, mà thương chúng sanh tất nhiên có thương cả sanh vật trong đấy. Cầm thú tuy không biết nói, chớ cũng biết đau đớn, thương yêu, tình nghĩa như mình. Kiếp này nó là con sanh vật, biết đâu kiếp sau nó không tấn hóa làm con người? Kiếp này ta làm được con người, biết đâu kiếp trước ta không phải là con sanh vật? Thế thì người và vật cũng đồng một loại, mà đồng loại phải thương nhau, vậy mới gọi là bác ái. Vì lòng bác ái nên nhà tôn giáo trọng việc phóng sanh mà cấm sát sanh. Cũng vì lòng bác ái mà các nhà luân lý xưa nay thảy đều khuyên đời không nên đánh đập, hủy hoại đến con ngoại vật. Bên nước Pháp có luật ngăn cấm việc tàn nhẫn ấy rất nghiêm. (Loi de Gramont).

Mình thương yêu người ắt được người thương yêu lại, mình giúp đỡ người ắt được người giúp đỡ lại, mình quí trọng người ắt được người quí trọng lại. Cứ bác ái xây vần như vậy, thì thế nào xã hội không được hòa bình, nhơn loại không được lắm điều hạnh phúc? Nhưng lòng người tỉ như mạch suối, nếu nước mạch chảy ra hoài mà trời không mưa xuống cho suối được nước thêm, e cho một ngày kia, suối ắt phải khô phải cạn. Lòng bác ái con người cũng cần phải có trời mưa xuống cho tươi nhuận, thấm đầm mới khỏi lo khô cạn. Mưa ấy tức là đạo đức vậy. Hễ người đủ đạo đức rồi, thì lòng bác ái chẳng hề xao lãng.

Tóm lại, nhơn loại biết thương lẫn nhau là nhờ có lòng bác ái. Lòng bác ái được bền vững là nhờ có đạo đức. Ðạo đức lại do nơi chí thành, chí thành lại là nền móng của tôn giáo vậy.

 
 

MỤC LỤC

 

VIII. THẤT TÌNH, LỤC DỤC


 

THẤT TÌNH

Con người vẫn có hai phần: phần vật chất (khu xác) và phần tinh thần (hồn). Sự động tác đôi bên đều khác nhau.

  1. Ðộng tác về xác thịt là: hô hấp, tiêu hóa, vận động.

  2. Ðộng tác về tinh thần là: mừng, giận, buồn, sợ, thương, ghét, muốn, gọi là thất tình.

Thất tình vẫn tự nơi tâm mà phát khởi. Khi tâm còn bình tịnh, thất tình chưa vọng động, vẫn còn là tánh. Mà hễ khi nào tâm ta bị tiếp xúc sự vật ở ngoài mà diêu động, mà cảm giác, thì mới sanh ra Thất tình.

Ví dụ: Tâm ta là cái ao, Tánh vẫn là nước còn đương bình tịnh. Tình là sóng dợn lên sau khi bị gió dậy. Gió ấy tức là ngoại vật cảm xúc vào tâm vậy. Thất tình vẫn là bảy sự cảm giác tự trong tâm phát ra, cảm giác về sự khoái lạc cho xác thịt, thì là cảm giác đê hèn theo đường nhơn dục, còn cảm giác theo lối nghĩ ngợi sâu xa trong tinh thần, thì là cảm giác cao thượng theo đường thiên lý. Nhơn tâmÐạo tâm đều do theo hai lẽ ấy mà phát sanh: do theo đường nhơn dục là Nhơn tâm, do theo đường thiên lý là Ðạo tâm vậy. Hai cái sức cảm giác ấy thường hay xung đột nhau lắm. Ai lại không muốn cảm giác theo lối tinh thần cao thượng? Nhưng phần nhiều bởi không thoát khỏi cái dục tình nó đè nén, nên mới xa đường thiên lý mà gây ra tội tình phiền tệ.

Tâm ta ví như cái lòng nhà, mắt, mũi, tai, lưỡi vẫn là mấy cái cửa, ngoại vật tỉ như gió bụi. Mấy cái cửa có mở ra thì gió bụi mới bay lọt vào nhà mà làm cho nhơ bợn. Vậy muốn giữ cho lòng nhà được trong sạch, cần phải đóng bít mấy cái cửa ấy đi, thì khỏi lo gió bụi lọt vào, nghĩa là phải tập sao cho mắt đừng mê sắc đẹp, tai đừng nghe giọng thâm trầm, mũi đừng thích mùi thơm, lưỡi đừng ưa vật béo.

Vẫn biết giữ đặng vậy là rất khó, song chớ nên thấy khó mà ngã lòng. Ban đầu cứ tập lần một ngày một ít, lâu ngày chầy tháng mình ắt đè nén được thất tình mà không cho nó vọng động nữa. Tâm tánh của bực tu hành khác với tâm tánh người đời sở dĩ là vậy đó.

 

LỤC DỤC

Lục dục là sáu điều tham muốn của con người. Lục dục (*1) là: muốn danh vọng, muốn tài lợi, muốn bóng sắc, muốn cường dõng, muốn sung sướng, muốn sống lâu.

- Danh vọng: Danh vọng không phải muốn mà có, tìm mà được. Người đáng có danh vọng, tự nhiên danh vọng nó đến cho. Nếu cố tâm tìm kiếm nó như vác tiền mua phẩm tước, làm một hai việc chi để cầu danh, thì cái danh vọng ấy là danh vọng hảo, tức là hư danh vậy.

- Tài lợi: Nhiều người cứ bo bo đeo đuổi theo tài lợi, lấy đó làm hạnh phúc, chớ không dè mình buộc phải đem cả xác thịt, cả tinh thần làm nô lệ lại cho tài lợi. Nhiều khi lòng tham muốn tài lợi nó làm cho mình u ám mà quên cả nghĩa nhơn đạo đức.

- Bóng sắc: Bóng sắc vẫn là cái vẻ đẹp thiên nhiên của Ðấng Tạo Hóa sanh ra, tuy nó có cái mỹ quan thiệt, song trong cái vẻ mỹ quan ấy chất chứa biết bao nhiêu điều nguy hiểm, chẳng khác nào một lưỡi dao bén kia vậy. Tuy lưỡi dao bén là một vật hữu dụng, song nó trở lại giết người rất dễ. Thánh Hiền xưa thường ví bóng sắc như một lượn sóng (sóng sắc) xưa nay chìm đắm biết bao người trong sông mê biển ái.

- Cường dõng: Cường dõng (mạnh bạo) là cái lợi khí của người nầy để xâm lấn quyền tự do của người khác. Nói rộng ra nữa, là lợi khí của xã hội nầy để đè ép xã hội khác, của nước nầy để đè ép nước khác hèn yếu hơn mình. Sự cường dõng thường hay trái ngược với thiên lý, vì vậy mới có câu: "Dõng bất quá thiên, cường bất quá lý”. Nghĩa là: "Mạnh bạo thế nào cũng không qua lẽ phải".

- Sung sướng: Ở đời, trong mười người, thì hết chín người ngày đêm cứ lo sao cho mình được sung sướng, tìm hoài, kiếm mãi mà chẳng thấy chi gọi là sung sướng cả, thì chẳng khác nào một anh hành khách lẩn thẩn ở giữa đồng cát kia, đương hồi nắng nôi khao khát, thấy trước mặt mình một vũng nước, cố ý đi mau đến đó mà giải khát, song le đi tới chừng nào vũng nước lại dang ra xa chừng nấy. Thiệt vậy, trên cõi "luyện hình" là cõi tạm nầy, thiết tưởng có chi gọi là sung sướng mà mong lòng ham muốn? Như gọi giàu sang vinh hiển là sung sướng, chớ biết đâu mấy bực giàu sang vinh hiển ấy lại chẳng có cái khổ tâm, lo lắng hơn người thường dân lao động? Ðức Chí Tôn có dạy rằng: "Sự sang trọng vinh hiển của các con chẳng phải ở nơi thế giái nầy".

- Sống lâu: Phật Thích Ca gọi cõi trần nầy là biển khổ (*2), thế thì con người cần chi phải ham sống lâu để chịu lắm điều thống khổ. Chúng ta cần sống nán lại đây là vì muốn sống mà lo cho tròn phận sự làm người. Sống lâu mà hữu dụng cho đời thì cái sống ấy hãy còn có nghĩa lý. Chí ư kẻ muốn sống lâu là để tính hưởng sự giàu sang vinh hiển, thì kẻ ấy chẳng khác nào tự hãm mình vào chốn chung thân khổ sai kia vậy. (*3)

Con người bởi không thông đạo lý nên cứ đắm đắm đuối đuối trong vòng lục dục, vì vậy mà phải lao lụy cả đời, triền miên trong vòng ngũ trược, nổi chìm trong biển khổ. Lục dục vẫn là nguồn cội của sự khổ vậy. (*4)

 

(*1) Có người kể lục dục là danh vị, tài lợi, sắc, tư vị (?), hư vọng (?), tật đố (?)
(*2-*3-*4) Xin xem qua bài kế luận về "Biển khổ”.

 
 

MỤC LỤC

 

IX. BIỂN KHỔ

 

Ðạo Phật cho cõi trần nầy là biển khổ, mênh mông lai láng, không biết đâu là bến, là bờ, cả chúng sanh đều phải trầm luân trong biển khổ ấy muôn muôn ngàn ngàn kiếp. Phật lại cực tả cái khổ ở đời như vầy: "Nước mắt chúng sanh trong ba ngàn thế giái đem chứa lại còn nhiều hơn nước ngoài bốn biển".

Thật vậy, đời là khổ, mà cái khổ ấy chẳng chừa ai. Người giàu sang có cái khổ theo cuộc giàu sang, kẻ nghèo khó lại có cái khổ theo cuộc nghèo khó. Kìa một đứa bé mới lọt lòng mẹ, thì đã kêu vang thảm thiết, vì nó tự trong khổ mà sanh ra, vì khổ mà sanh ra, sanh ra rồi phải chịu muôn vàn sự khổ.

Con người từ nhỏ đến lớn trải qua biết bao nhiêu sự khổ, lụi đụi đến cảnh già thì cái khổ lại càng gia bội. Nào là lưng mỏi, gối dùn, nào là tai điếc mắt lờ, răng rụng, sức lực giảm suy, tinh thần mờ mệt. Chừng ấy dầu cho giàu có bạc muôn cũng không tìm được cái suối hườn đồng (fontaine de jouvence) mà tẩm tưới, dầu cho chức trọng quyền cao, cũng chẳng dùng oai lực nào mà cự đương với cảnh khổ.

Mà dầu cho ai giữ phép vệ sanh thế nào đi nữa, cũng không tránh khỏi những tật bịnh vô thường xảy đến. Thân thể con người là một bộ máy thiên nhiên (cơ thể), đã là một cái máy tất nhiên có khi liệt, khi hư. Cái hư, cái liệt ấy vẫn là khổ bịnh mà con người phải lắm phen đau đớn. Ngoài cái khổ vật chất (douleurs matérielles) lại còn cái khổ tinh thần (douleurs morales). Nào là nỗi thương tâm oán hận trong cơn tử biệt sanh ly, trong buổi thời quai vận kiển, nào là cơn tuyệt vọng, nào là lúc thất tình. Ôi! Thật là khổ tăng gia khổ.

Khổ nầy dồn dập, thoạt đến khổ kia, thấm thoát đến ngày nhắm mắt. Nào là vật vã trong lúc ngặt mình, nào là nỗi thương con mến vợ, tiếc vật tham sanh, nào là nỗi sợ cho linh hồn, sau khi lâm chung rồi, không biết đọa lạc thế nào đây nữa. Thật cái khổ tử ấy lấy làm ghê gớm!

Tóm lại cuộc đời là biển khổ. Nếu biết lẽ ấy rồi, cần phải tìm một phương pháp chi hay để mà diệt khổ. Mà muốn diệt khổ, trước phải biết nguyên nhân sự khổ bởi đâu mà ra.

Ðức Thích Ca có dạy rằng: "Sự vô minh (ám muội) sanh ra lòng tham dục, lòng tham dục mà chẳng toại là mầm mống cho kiếp luân hồi, kiếp luân hồi lại là nguyên nhân sự khổ.”

- Sự vô minh: Con người vì vô minh nên không rõ hình thể mình bởi đâu mà ra, mình sanh ra ở đời để làm gì, và khi thác rồi, hồn mình phải đi đâu? Cũng vì ám muội không rõ lẽ tử sanh, nên tưởng rằng kiếp con người sanh ra trên cõi tạm nầy chỉ trong một thời gian rồi hết.

- Lòng tham dục: Vì vậy nên mới bo bo theo điều cận lợi nhãn tiền, ham muốn những cuộc khoái lạc về đàng vật chất, muốn làm thế nào để kéo cái kiếp sống lại cho dài ra mãi, đặng vui hưởng những cuộc vinh hoa phú quí mà không xét rằng những cuộc vinh hoa phú quí ấy vẫn là một miếng mồi để nhử lòng người miệt mài mãi mãi trong vòng luân chuyển, thế thì lòng tham dục là nguồn gốc của kiếp luân hồi vậy. Phàm mọi việc chi ở đời, hễ có nhơn, thì phải có quả. Nhơn (cause) là cái cội rễ, cái cớ sự của mọi việc. Quả (effet) là cái ảnh hưởng, sự báo ứng của cái nhơn. Ví dụ như lửa với khói. Lửa là nguồn gốc của khói, cho nên lửa là nhơn, khói là quả. Nhơn lại là điều mình làm ra, quả là cái trả lại (báo ứng) vậy. Ví dụ như một người kia vì phạm tội mà phải chịu lao tù. Cái tội làm đó tức là nhơn, cái lao tù đó tức là quả. Tục thường nói: "Nhơn nào quả nấy". Cho nên tiên nho có câu: "Chưởng đậu đắc đậu, chưởng qua đắc qua". Cái lý "hữu nhơn hữu quả” đã xét đến rồi, thì chúng ta thấy rõ rằng những điều tham dục, nhứt là ham muốn mà không đặng toại, toàn là cái sự cớ để làm nhơn cho kiếp luân hồi vậy. Vì lòng tham dục mà con người làm ra lắm điều trái đạo, gây kết tội tình nghiệp báo. Mà hễ tự mình gây ra tội tình nghiệp báo, thì tự mình phải trả. Vì cái lẽ phải trả ấy (oan báo) mà con người phải luân chuyển kiếp này qua kiếp khác. Kiếp hiện tại không những để trả quả cho kiếp trước, mà lại còn làm nhơn cho kiếp tương lai. Rồi kiếp tương lai này lại làm nhơn cho kiếp tương lai khác nữa. Những kiếp này kiếp kia cứ làm nhơn quả lẫn cho nhau (cứ nối đuôi nhau hoài) thì con người biết chừng nào tránh khỏi tiền khiên nghiệp báo mà thoát kiếp luân hồi cho đặng?

- Kiếp luân hồi: Có kiếp luân hồi mới có chết đi sanh lại luôn luôn. Mà mỗi lần chết đi là mỗi lần khổ, mỗi lần sanh lại cũng là mỗi lần khổ. Thế thì kiếp luân hồi là nguyên nhân của sự khổ vậy.

Ðến đây ta đã biết nguyên nhân của sự khổ rồi. Vậy muốn diệt khổ phải siêu diệt kiếp luân hồi, muốn siêu diệt đặng kiếp luân hồi, phải diệt lòng tham dục, muốn diệt lòng tham dục, phải diệt sự vô minh. Mà muốn diệt sự vô minh thì phải làm sao? Phải hội hết tinh thần trí lực của mình lại cho thông sáng, rồi dùng phương pháp “chiêu minh” (illununation) ấy mà khám phá sự vô minh là nguồn cội của cuộc đời khổ não. Ðạo Phật có chỉ một phương pháp để diệt trừ sự vô minh, gọi là Ðạo Bát Chánh (les huit nobles sentiers).

 
 

MỤC LỤC

 

X. ÐẠO BÁT CHÁNH

 

Ðạo Bát Chánh là tám con đường phải noi theo để diệt trừ sự vô minh.

  1. Chánh kiến (bien croire) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà tin tưởng.

  2. Chánh tư duy (bien penser) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà xét suy.

  3. Chánh ngữ (bien parler) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà nói năng.

  4. Chánh nghiệp (bien agir) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà hành động.

  5. Chánh mạng (bien vivre) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà sanh phương để nuôi mạng sống.

  6. Chánh tinh tấn (bien s'efforcer) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà tấn hóa.

  7. Chánh niệm (bien se souvenir) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà hồi tưởng (tưởng nhớ).

  8. Chánh định (bien méditer) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà thiền định (tưởng gẫm).

 

- Chánh kiến: Muốn tin tưởng theo lẽ chánh, trước phải biết luật thiên nhiên của Tạo Hóa mà tin theo. Như biết rằng cả nhơn loại đồng thọ của Ðấng Tạo Hóa một điểm chơn hồn, tức là con một Cha. Ðã là con một Cha, tức phải thương nhau như anh em ruột thịt, đó là cái quan niệm chủ nghĩa bác ái vậy. Phải biết rằng muôn loại trong trời đất đều ở dưới luật nhơn quả, dưới cơ báo ứng, cho nên cả thảy đều liên lạc và tương đương nhau. Ví dụ, sự ác của một người làm có thể làm hại cho nhiều người khác, hoặc nhiều sanh loại khác. Trái lại, điều thiện của một người làm có thể làm lợi cho nhiều người khác, hoặc nhiều sanh loại khác. Cho nên mình làm một việc chi quấy, chẳng những mình làm quấy cho một mình mình, mà mình còn lây quấy cho người khác nữa, thế thì chẳng những mình đắc tội với Trời Ðất, mà mình còn đắc tội với chúng sanh nữa. Cho nên con người nếu biết cái lẽ chánh ấy mà tin theo, thì khỏi sợ sa vào nơi tội lỗi mà phải lạc lối sai đường, tức là diệt được sự vô minh đó vậy.

- Chánh tư duy: Phàm muôn việc chi, hễ có thiệt thì có giả, hai cái vẫn tương tợ nhau, song cũng nhờ có cái giả mới nhận ra được cái thiệt, mà muốn phân biệt được hai lẽ chánh tà, ta cần phải thành thật và do theo lẽ chánh mà suy xét từ điều. Nếu do theo lẽ chánh mà suy xét từ điều, thì ta ắt thấy rõ được cái chơn tướng của nó, rồi trí khôn ta mới hết mờ hồ, hết nghi hoặc, hết sanh hoạt trong vòng ảo cảnh, hết đeo đuổi theo lối tà thuyết dị đoan, tức là diệt được sự vô minh đó vậy.

- Chánh ngữ: Mình biết xét suy theo lẽ chánh thì đã đành rồi, song mình cũng phải giữ lời nói của mình theo lẽ chánh mới được, vì một lời nói bất chánh có thể làm cho người ta lầm lạc mà lỗi đạo tu hành. Người xưa có làm một pho tượng hình người bằng vàng, nơi miệng lại có ba sợi dây ràng buộc lại. Ấy là tỏ ý rằng người xưa vẫn cẩn thận lời nói lắm vậy. Vả lại Ðức Chí Tôn có dạy rằng: “ ... Nơi Tòa Phán xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dặn các con phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể...”.

Tóm lại, lời nói chánh thì khỏi làm cho người lầm lạc vào nẻo tà vạy tối tăm, tức là diệt được sự vô minh đó vậy.

- Chánh nghiệp: Mình nói chánh cũng chưa gọi đủ, sự hành vi của mình cũng cần phải theo lẽ chánh mới được, thế mới khỏi cái câu "ngôn bất cố hạnh". Trước kia, mình đã tin tưởng theo lẽ chánh, nói năng theo lẽ chánh, bây giờ đây, nhứt thiết phải hành vi theo lẽ chánh, thì chẳng những mình bước chơn vào con đường quang minh chánh đại, mà mình còn dẫn dắt thiên hạ theo mình nữa. Dẫu người tánh vốn chẳng lành mà được mình dắt dẫn, lâu ngày chầy tháng rồi, họ sẽ hóa lành theo mình chẳng sai. Ðức Lão Tử có dạy rằng: “... Người lành làm thầy cho người chẳng lành...”.

Tóm lại, dìu dắt người vào đường quang minh chánh đại, tức là diệt sự vô minh đó vậy.

- Chánh mạng: Dầu là bực tu hành, chẳng phải cả thảy đều phế hết gia đình thế sự, tu vào bực thượng thừa, tối thượng thừa thì chẳng nói chi, đến như bực hạ thừa, thì cũng cần phải có phương thế sanh nhai để mưu cầu mạng sống. Cái phương thế sanh nhai của bực tu hành ấy lại cần phải do theo lẽ chánh mới được. Vì vậy mà phải tránh những việc ích kỷ tổn nhơn, thương luân, bại lý. Ví như bán rượu, bán thuốc phiện, chứa cờ bạc, nuôi gái thanh lâu, ... tuy lợi cho mình mà hại cho kẻ khác, làm hàng thịt, săn bắn, tuy lợi cho mình mà hại mạng con sanh vật. Những điều bất chánh ấy, người tu hành cần phải tránh xa, thì mới gọi là "chánh mạng". Làm được một việc phải, tức là bớt được một việc quấy, làm được hai việc phải, tức là bớt được hai việc quấy, … mà trọn đời cứ làm việc phải hoài, thì tiện thị là khỏi làm việc quấy. Khỏi làm việc quấy, tức là khỏi tội tình nghiệt báo, khỏi gây tội tình nghiệt báo, tức khỏi phải trả quả, khỏi phải trả quả, thì khỏi phải luân hồi (*1) nữa, khỏi phải luân hồi nữa, thì diệt được kiếp luân hồi, tức là diệt sự vô minh đó vậy.

- Chánh tinh tấn: Chánh mạng đặng rồi, phải do theo lẽ chánh mà tấn hóa về trí thức và tinh thần. Phải tìm chơn lý mà học hỏi cho trí thức ngày một mở mang. Phải giữ sao cho tinh thần được an tịnh, cho được đầy đủ, an tịnh thì tinh thần được trong sạch sáng láng mà phát huệ, đầy đủ thì tinh thần mới có năng lực mà huyền diệu được.

Tóm lại trí thức quang minh, tinh thần phát huệ, tức là diệt sự vô minh đó vậy.

- Chánh niệm: Ðắc huệ rồi, cần phải tìm chốn u huyền (nhập tịnh thất) mà tu luyện. Cả ngày cứ tiện dụng cái huệ của mình mà hồi tưởng những việc quá khứ, cho rõ thấu mọi lẽ đã qua rồi của cơ Tạo Hóa, tìm đến cái nguồn cội của các vật, cái trước sau của mọi việc, cho biết tại sao mà vật này đã sanh ra thế này, vật kia đã sanh ra thế khác, tại sao việc này đã xảy ra là vầy, việc kia đã xảy ra là khác (*2). Thấu đáo mọi lẽ đã qua rồi, chẳng những là diệt được sự vô minh, mà mình lại đã gần Ðạo rồi vậy.

- Chánh định: Ðã tìm ra được mọi lẽ quá khứ, hiện tại rồi, đến đây phải cần tưởng gẫm theo lẽ chánh để tìm ra mọi lẽ tương lai, tức là đến thời kỳ chánh định. Chánh định chia ra làm bốn bực:

  1. Ðể ý tứ cho thiệt thanh tịnh mà tưởng gẫm.

  2. Giữ cho tâm hồn đừng xao xuyến.

  3. Tâm thần đã bình tịnh rồi, thì biết rõ chơn tướng mọi sự quá khứ, hiện tại và vị lai và thấu rõ cơ mầu nhiệm của Tạo Hóa, tức là đắc thông vậy.

  4. Ðắc thông rồi, lòng không ỷ thiện, không phụ ác, không khổ, không vui, có như không, không như có, rồi tự đặt hồn mình ra khỏi vòng cảnh sắc mà sanh hoạt vào cõi vô vi, tức là đắc đạo vậy. Ðó là chỗ bí yếu của Ðạo diệt khổ mà Phật Thích Ca xưa đã tìm ra, giữ được tám con đường chánh, thì tiện thị là mình chánh, chánh thì tịnh, tịnh thì an, an thì sáng, sáng thì thông, thông thì đắc đạo. Ðắc đạo thì diệt sự vô minh, tức là hết già, hết bịnh, hết phiền não, hết nghiệp báo luân hồi, thì chơn hồn mới được siêu thăng lên cõi Niết Bàn vậy. "Chữ Niết Bàn do tiếng Phạn Nirvâna mà âm ra. Nirvâna nghĩa là tắt hết củi lửa, tức là cõi thiêng liêng, tới đó rồi bao nhiêu sự khổ sầu phiền não thảy đều tắt cả, khỏi phải cái kiếp luân hồi nữa".

 

(*1) Người tu hành mà giữ được năm con đường chánh trên đây cho tròn vẹn, tuy là còn theo lối hạ thừa, nhưng sau khi thoát xác rồi ắt được chứng quả Thần vị, hoặc Thánh vị mà lánh đọa luân hồi. Bằng có giữ mà chẳng tròn vẹn, thì phải tái kiếp lại nữa, song sẽ ở địa vị giàu sang mà hưởng nhờ hồng phước.
(*2)
Chính như Ðức Khổng Tử có nói rằng: "Vật gì cũng có gốc có ngọn, việc gì cũng có thỉ có chung, hễ biết cái sau cái trước, ấy là gần Ðạo vậy".

 
 

MỤC LỤC

 

XI. LƯƠNG TÂM

 

Con người sanh ra ở đời, có nhiều phận sự bó buộc lấy mình, phải ăn mới no, phải mặc mới lành, nên chi cần phải sớm liệu chiều lo, lao thân cực trí mới có tiền chi độ hồ khẩu cùng nuôi dưỡng thê nhi. Vậy thì cái đời người trên cõi trần ai khốn đốn này toàn là một đời phải khổ tâm làm lụng. Việc làm lụng lại chia ra hai hạng khác nhau, làm phải và làm trái (làm quấy). Làm phải là thuận theo lẽ Trời, hiệp với đạo người, ấy điều Thiện. Làm trái là nghịch với lẽ Trời, trái với đạo người, ấy là điều Ác. Làm Thiện thì bao giờ trong lòng cũng được an tịnh và mừng vui khoan khoái. Làm ác thì bao giờ trong lòng cũng bị xốn xang hồi hộp, tựa hồ như văng vẳng bên tai có tiếng thiêng liêng khen ngợi khi ta làm phải và rầy la khi ta làm quấy. Ðó tức là Thần Lương Tâm của ta. Thần Lương Tâm vẫn là một chơn linh của Ðức Thượng Ðế sai xuống để gìn giữ cái chơn mạng sinh tồn của mọi người. Thần Lương Tâm chẳng những giữ gìn sanh mạng cho ta mà lại còn dạy dỗ cho ta biết biệt phân điều nào là phải mà làm, điều nào là quấy mà tránh. Song người đời phần nhiều lại có lòng dục lợi, đồng tiền tài thường hay ám nhãn, cho nên trong việc hành vi động tác ít hay nghe theo Lương Tâm mình, việc tuy biết quấy mà vẫn cứ làm, điều tuy biết tội mà vẫn không từ, quanh năm chỉ lo cho điều cận lợi mà quên hẳn Lương Tâm.

Phàm muốn vẹn đạo làm người, trong mỗi việc hành vi, ta cần phải giữ sao cho khỏi nghịch với Lương Tâm, thì khi lìa khỏi xác rồi, linh hồn ta mới có thể siêu lên cõi Thiên đàng mà lánh xa Ðịa ngục. Ðạo vẫn là con đường để cho linh hồn noi theo mà lần lên Thiên đàng vậy. Thì linh hồn ta ví như người hành khách cứ lo đi đến nơi tuyệt đích ấy. Xác thịt ta tỉ như cái xe để chở linh hồn. Việc cử động hành vi của ta ví như con ngựa để kéo cái xe ấy. Nếu cuộc hành động của ta cảm giác theo đường thiện, thì ngựa mới kéo xe đưa người hành khách đến nơi đến chốn (tức là đưa linh hồn lên cõi Thiên đàng vậy). Còn nếu cuộc hành động của ta cảm giác theo đường ác, người hành khách tất phải bị ngựa dắt lạc đường, rồi thế nào đi đến nơi đến chốn đặng? (Tức là linh hồn phải sa vào Ðịa ngục vậy). Mà muốn cho ngựa khỏi lạc đường, cần phải có người cầm cương đánh xe mới được. Người ấy là Thần Lương Tâm của ta đó vậy.

Song nhiều khi sự cảm giác của ta mạnh về lối vật dục thấp hèn, Thần Lương Tâm cũng không kềm chế đặng. Ấy là lúc ngựa đương chứng vậy. Người cầm cương bây giờ cần phải có ngọn roi để kềm chế ngựa kia đương chứng. Roi ngựa ấy tức là cái chí ý (volonté) của ta đó. Phải có cái chí lớn mới kềm chế tính dục được, mới mong làm đạo được. (*1)

Nhiều người trước vẫn bôn chôn theo thế tình tục sự, nào là đắm mê tửu, sắc, tài, khí, nào là ích kỷ tổn nhơn, mà khi biết ăn năn rồi, trong một thời gian ngắn ngủn cũng đủ hồi tâm hướng thiện, chuyên việc tu hành. Ấy là bực đại chí.

 

(*1) Thánh ngôn ngày 5-3-27 có câu: "Làm vua, làm thầy, làm công nghệ, làm đạo sĩ cũng cần phải có cái chí lớn mới mong thành tựu đặng … "

 
 

MỤC LỤC

 

XII. TAM QUI (Les Trois Rapports)

 

Muốn giải rành nghĩa hai chữ tam qui, trước hết phải hiểu nghĩa ba chữ Phật, Pháp, Tăng. Có Thánh ngôn Ðức Chí Tôn dạy như vầy:

"Thầy khai Bát quái mà tác thành Càn khôn Thế giái, nên mới gọi Pháp. Pháp có mới sanh ra Càn khôn vạn vật, rồi mới có người, nên gọi là Tăng. Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Ðạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy".

Vậy thì Phật là Ðấng Tạo Hóa (Dieu), Pháp là Thế Giái (la Nature), Tăng là cả nhơn loại (l'Humanité).

  1. Qui y Phật là Tạo Hóa giao thông (Rapport avec Dieu).

  2. Qui y Pháp là Thế Giái giao thông (Rapport avec la Nature).

  3. Qui y Tăng là Nhơn loại giao thông (Rapport avec l'Humanité).

 

1. QUI Y PHẬT

Ðối với Ðấng Tạo Hóa ta phải hết lòng thờ phượng kính tin Ngài, vì Ngài là Ðấng gầy dựng Càn khôn, Thế giái, sanh ra nhơn loại cùng vạn vật khác. Thờ phượng Ngài là tỏ dấu biết ơn Ngài sanh chúng ta ra, kính tin Ngài vì Ngài là Ðấng tuyệt đối (l'Absolu) (*1) vô cùng biến hóa. Chẳng những bổn phận chúng ta là thờ phượng kính tin Ngài mà thôi, chúng ta lại còn phải noi theo lẽ Trời mới được (Thiên lý). Ðức háo sanh của Ðấng Tạo Hóa là thương đồng muôn loại, chở che nuôi dưỡng hết cả quần sanh, vận hành quảng đại mà không riêng, thi ân huệ mà không kể, Ðấng Tạo Hóa vẫn làm cái tiêu chuẩn pháp lý cho chúng ta, thì chúng ta phải coi theo mà bắt chước. Bắt chước Trời tức là giữ Ðạo Trời vậy.

2. QUI Y PHÁP

Vạn vật hữu sanh trên Thế giái chia ra là: thảo mộc, côn trùng, thú cầm, nhơn loại gọi là chúng sanh. Nhơn loại vẫn là bực tối linh hơn hết trong hàng chúng sanh. Cách nhơn loại giao thông sẽ bàn giải về khoản "Qui y Tăng”. Ðây xin luận về cách đối đãi với thảo mộc, thú cầm gọi là "Thế giái giao thông".

a) Ðối với thảo mộc: Gần đây có nhà bác sĩ Ấn Ðộ tên là Sir Bose mới thuyết minh rằng loài thảo mộc cũng biết cảm giác (biết đau đớn) như cầm thú và nhơn loại vậy. Nhà bác sĩ ấy đoán quả quyết rằng bộ thần kinh (bộ gân) của loài thảo mộc còn tiếp cảm mau lẹ hơn của loài người nữa. Ta thử động đến cây "mắc cở” thì nó xếp lá lại liền, mà xếp một cách rất lanh lẹ, tiếng Pháp gọi cây mắc cở là "la sensitive" nghĩa là cây biết cảm giác. Các loại thảo mộc khác cũng biết cảm giác như vậy, song sự cảm giác ấy, mắt thường ta khó thấy đặng. Ấy là một bằng cớ chứng chắc rằng loài thảo mộc đều biết cảm giác, tức là có một điểm thú hồn (âme animale).

Chúng ta dùng vật thực phần nhiều là ở nơi chất thảo mộc mà nuôi thân (*2) song luật Trời nghiêm cấm không cho vô cớ mà phá hại đến loài thảo mộc.

b) Ðối với thú cầm: Chúng ta chẳng những nương cậy nhau là nhờ có xã hội nhơn quần, mà còn phải cậy nơi sức lực của con ngoại vật nữa, như trâu cày, bò kéo, ngựa chở... Vậy nên đối với loài thú vật, chúng ta phải có một cái bổn phận riêng là:

  1. Chẳng nên đánh đập con ngoại vật vì nó cũng biết đau đớn như mình.

  2. Phải săn sóc nuôi dưỡng nó cho tử tế để đền đáp lấy công cực nhọc của chúng nó giúp đỡ ta.

  3. Chẳng nên hại mạng chúng nó vì chúng nó cũng đồng thọ một điểm linh quang của Ðấng Tạo Hóa như chúng ta vậy (xin xem lại bài luận về "Lòng bác ái").

3. QUI Y TĂNG

Qui y tăng là nhơn loại giao thông, nghĩa là bổn phận người đối với người vậy. Ðại khái bổn phận người đối với người chia ra nhiều bực là: đối với thân tộc họ hàng (ông bà, cha mẹ, bà con, chồng vợ, anh em), đối với quốc gia, xã hội cùng cả nhơn quần. Cả bổn phận ấy đều gom về một mối gọi là Nhơn Ðạo.

Tam qui vừa giải trước đó là tam qui đối với bên ngoài (extérieur) nên gọi là "Tam qui ngoại".

Ðối với bên trong, nghĩa là trong châu thân mình, lại có "Tam qui nội".

TAM QUI NỘI

Ðấng Tạo Hóa vẫn là Phật, dùng huyền diệu thiêng liêng gọi là Pháp mà phân tánh (hồn) cho nhơn loại, gọi là Tăng.

Luyện ngươn tinh cho trong sạch nhẹ nhàng đặng hiệp với ngươn khí gọi là Qui y Tăng.

Luyện Hậu Thiên Khí trở nên Tiên Thiên Chơn Khí, rồi dùng huyền diệu bí pháp đặng hiệp Khí với Thần, gọi là Qui y Pháp.

Luyện ngươn thần cho được thuần dương cho Âm Thần trở nên Dương Thần, hầu trở lại chỗ bổn nguyên là "Hư Vô chi Khí” đặng hiệp làm một với bổn nguyên Phật, gọi là Qui y Phật.

Nghĩa lý "Tam qui nội" rất xâu xa huyền bí, chỉ giải sơ lược ra đây vậy thôi. Ai thâm đạo lý rồi mới có thể thấu đáo rõ hơn được.

NGŨ GIÁI

(Xin xem Thánh Ngôn in thành quyển riêng) (1)

 

(*1) Không vì Tiên Phật nào sánh bằng.
(*2)
Có nhiều nhà tu giữ giái rất chín chắn đến đỗi ăn ròng trái cây và rau đậu mà thôi, nghĩa là giữ thể nào cho khỏi hại đến mạng sống của loài thảo mộc. Như ăn trái cây thì không hại đến mạng cây, còn ăn rau thì chỉ hái lấy ngọn mà dùng, là chủ ý để cho cây rau còn sống đặng.
(1) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.2: Bất sát sanh. Bất du đạo. Bất tà dâm. Bất ẩm tửu. Bất vọng ngữ,

HẾT

 

Xem tiếp quyển: Ăn Chay


CHƠN LÝ
Tác giả NGUYỄN TRUNG HẬU

IMPRIMERIE ÐỨC LƯU PHƯƠNG
158 rue d'Espagne.
SAIGON
 

Thánh Thất New South Wales - Australia
Tái ấn hành năm Quí Mùi 2003
thanhthatnsw@yahoo.com.au


[Hình Bìa]

 
 
Top of Page

     HOME